Nước vẫn ô nhiễm
15 giờ 30 ngày 17/10, UBND tỉnh Hoà Bình đã tổ chức họp báo cung cấp thông về việc nguồn nước cung cấp cho Hà Nội bị ô nhiễm. Hàng chục phóng viên đã có mặt. Bắt đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hoà Bình cho biết, từ sáng 9/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Công ty Sông Đà) phát hiện nguồn nước cung cấp cho nhà máy có váng dầu, mùi hôi. Dầu thải chảy xuống gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Hà Nội. Đây là vụ việc nghiêm trọng và được dư luận quan tâm.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoàng Hưng - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hòa Bình cho biết, công tác khắc phục hậu quả được diễn ra ngay sau khi phát hiện sự cố. Theo đó, phía Công ty Sông Đà đã sử dụng phao chuyên dụng ngăn váng dầu, thu gom dầu thải, nạo vét bùn... Tuy nhiên, nước thải xả ra suối Trầm của công ty không trong, điểm vị trí tiếp nhận trên suối Bằng vẫn có màu đen.
Qua khảo sát khu vực 300m suối Trầm nêu trên cho thấy nước mặt suối là nơi tiếp nhận dầu thải tại một vài vị trí vẫn còn váng dầu, có mùi khét... Khu vực suối Bằng gần cầu Vật Lại có than hoạt tính, điểm tiếp nhận nước suối Bằng vào hồ Đầm Bài, quan sát thấy nước trong, không có váng dầu, không mùi khét, kênh dẫn nước trong.
Trả lời vòng vo
Rất nhiều đại diện của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình có mặt tại buổi họp báo, tuy nhiên, trước hàng loạt câu hỏi, thắc mắc của phóng viên, câu trả lời mà những vị này đưa ra được cho là vòng vo và không đi vào trọng tâm.
Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đổ hết trách nhiệm cho Công ty Sông Đà khi cho rằng: “Đối với nguồn nước Sông Đà, trách nhiệm nhà máy phải kiểm tra chất lượng nước rồi mới được cấp cho khách hàng. Nguồn nước đầu vào chưa có số liệu thì nhà máy phải có phương án cụ thể mới đưa nước vào sản xuất”. Về kết quả xét nghiệm, đại diện Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình cho biết: “Chưa thể biết được dầu thải gì, phải chờ vài ngày nữa mới có kết quả”. Đại diện Sở TN&MT Hoà Bình cho biết thêm, hiện tại chỉ cảm quan thấy váng dầu không còn nhiều nhưng trực tiếp lội xuống suối thấy còn mùi khét.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hoà Bình cũng chỉ đứng lên đọc lại nguồn gốc các sông, hồ bị ảnh hưởng do váng dầu. Còn câu hỏi cụ thể của phóng viên về vùng an toàn và quy trình bảo vệ nguồn nước, vị này cho biết: “Năm 2019, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở TN&MT trình UBND tỉnh Hoà Bình cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước Sông Đà”.
Liên quan đến việc truy tìm đối tượng xả trộm dầu thải, ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xuống khám nghiệm hiện trường, tiến hành truy xét đối tượng và vẫn đang truy tìm”. Ông Đức cho biết thêm, ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự.
Vô tâm
Tại cuộc họp báo, ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty Sông Đà khẳng định nguồn nước hiện nay đủ tiêu chuẩn để sử dụng. “Chiều qua, chúng tôi được UBND TP Hà Nội cung cấp kết quả xét nghiệm nước. Chất lượng nước hiện đã bảo đảm”, đại diệnCông ty Sông Đà cho biết. Ông Khoa cũng cho biết, TP Hà Nội chỉ đạo cấp nước lại cho nhân dân nhưng phía công ty khuyến cáo nước chưa dùng để ăn uống. Về trách nhiệm tổ công nhân trực ngày hôm đó, Công ty Sông Đà cho biết sẽ họp kiểm điểm.
Liên quan đến câu hỏi trách nhiệm về những thiệt hại của người dân Hà Nội, vị đại diện này không trả lời và chỉ khẳng định: “Về thiệt hại, chúng tôi là nạn nhân lớn nhất. Mong thời gian tới Công an tỉnh Hoà Bình sẽ tìm ra thủ phạm”.
Trước câu hỏi của phóng viên: “Hàng triệu người dân Hà Nội không thiệt hại bằng nhà máy và chưa hề thấy đơn vị có một lời xin lỗi nào đối với người dân”, thì ông Khoa cho rằng, những vấn đề này, tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội đã trả lời và không nêu lại. Trong khi đó, bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà - PV) cho rằng, ngay sau khi nắm bắt sự việc vào ngày 9/10, công ty có báo cáo đến cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình nhưng đến ngày hôm sau, đơn vị mới có mặt tại hiện trường.