Vụ nổ phi hạt nhân mạnh nhất lịch sử nhân loại ở Beirut

GD&TĐ - Bằng cách phân tích các video được tải lên mạng xã hội, các nhà khoa học đã tính toán được sức mạnh của vụ nổ tại TP Beirut (Lebanon) hồi tháng 8 và cho rằng, đây là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Vụ nổ phi hạt nhân mạnh nhất lịch sử nhân loại ở Beirut

Ngày 4/8, khi thành phố Beirut vẫn đang yên bình và lặng lẽ do lệnh phong tỏa thì tiếng nổ đanh trời được ví như một quả bom hạt nhân, một đám mây khói hình nấm xuất hiện tại khu cảng ở thủ đô Lebanon.

Vụ nổ làm rung chuyển cả thành phố, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa. Thậm chí, vụ nổ còn làm rung chuyển những tòa nhà ở Cyprus cách đó 160km. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 - 15 tỷ USD.

Trước đây chưa từng có một vụ nổ lớn tầm cỡ như thế này được ghi nhận đầy đủ như vậy. Nhiều nhân chứng đã ghi lại khoảnh khắc vụ nổ và làn sóng nổ sau đó trên video, chia sẻ cảnh tượng kinh hoàng trên mạng xã hội.

Gần đây, các kỹ sư từ Đại học Sheffield ở Vương quốc Anh đã phân tích 16 đoạn video được quay từ các địa điểm khác nhau xung quanh vụ nổ và có một cái nhìn không bị cản trở về sự kiện cũng như hậu quả của nó. Từ bằng chứng trực quan này, các nhà nghiên cứu sau đó có thể ước tính sức mạnh của vụ nổ, theo họ báo cáo trong một nghiên cứu mới.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập 38 điểm dữ liệu từ các video, xác định chính xác sự xuất hiện của sóng nổ dựa trên các tín hiệu âm thanh, phân tích video theo từng khung hình và kích thước của quả cầu lửa trong vụ nổ.

Các kỹ sư phát hiện ra rằng vụ nổ có sức công phá tương đương với sức nổ từ 500 đến 1.100 tấn hợp chất hóa học gây nổ trinitrotoluene (TNT) - bằng khoảng 5% sức mạnh của quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945.  

Trong một phần nghìn giây, vụ nổ Beirut giải phóng năng lượng xấp xỉ 1 gigawatt giờ (GWh), tương đương lượng năng lượng được tạo ra trong một giờ bởi hơn 3 triệu tấm pin mặt trời; 412 tuabin gió; hoặc 110 triệu đèn LED, theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

Đó là lượng điện đủ để cung cấp cho hơn 100 ngôi nhà trong khoảng một năm, đại diện trường đại học cho biết trong một tuyên bố.

Cơ quan điều tra Lebanon cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do 2.750 tấn chất hóa học ammonium nitrate tại nhà kho cảng Beirut ở Lebanon.

Khối chất hóa học khổng lồ, vốn được sử dụng làm phân bón, nhưng cũng là thành phần chính của mìn khai khoáng, được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt sáu năm qua mà không có biện pháp nào để bảo đảm an toàn cháy nổ.

Một đám mây hình nấm khổng lồ mọc lên từ đống đổ nát - tạo thành từ khí nitơ đioxit độc hại - được hình thành sau khi nitrat amoni rắn phân hủy thành khí và hơi nước.

“Sau khi nhìn thấy các sự kiện diễn ra, chúng tôi muốn sử dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực nổ để giúp hiểu những gì đã xảy ra ở Beirut và cung cấp dữ liệu có thể được sử dụng để giúp chuẩn bị và cứu sống trong những sự kiện như vậy nếu chúng xảy ra lần nữa”, tác giả nghiên cứu Sam Rigby, giảng viên cao cấp về kỹ thuật nổ và tác động tại Đại học Sheffield, cho biết trong tuyên bố.

“Bằng cách hiểu thêm về sức mạnh của các vụ nổ ngẫu nhiên quy mô lớn như vụ nổ xảy ra ở Beirut, chúng tôi có thể phát triển các dự đoán chính xác hơn về cách các tòa nhà khác nhau sẽ bị ảnh hưởng và các loại thương tích có khả năng xảy ra ở các khoảng cách khác nhau từ vụ nổ” - Rigby cho biết thêm.

Theo livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ