Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại bên trong Lãnh sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa “nóng trở lại” khi hạn chót 8/2 mà Quốc hội Mỹ đưa ra cho Chính quyền Tổng thống Donald Trump báo cáo chi tiết về vụ việc kết thúc. Trong khi, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn tỏ ra chưa hài lòng đối với tiến trình điều tra và xét xử các nghi phạm của phía Saudi Arabia, đồng thời hối thúc một cuộc điều tra quốc tế toàn diện về vụ việc.
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: Alamy |
Tối 8/2 (theo giờ Mỹ), Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo rằng Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo đã trình bản báo cáo mới nhất về vụ nhà báo Kha-sốc-gi bị giết hại lên Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Bộ này đã không tiết lộ về chi tiết nội dung bản báo cáo.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã đặt ra hạn chót ngày 8/2 yêu cầu chính quyền của Tổng thống Donald Trump trình báo cáo điều tra về thủ phạm đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi và việc Washington có nên áp đặt trừng phạt cá nhân hay nhóm người thực hiện hành vi tội ác hay không?
Hiện nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là người liên quan trực tiếp tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi và người kế vị Ngai vàng Saudi Arabia cần phải nhận hình thức trừng phạt phù hợp. Đặc biệt, tờ Thời báo New York ngày 8/2 còn đăng tải thông tin về 1 năm trước khi nhà báo Khashoggi bị giết hại, rằng Thái tử Saudi Arabia từng nói với các phụ tá rằng, sẽ cho ông Khashoggi “một viên đạn” nếu ông này không trở về nước và ngừng nói xấu chính quyền.
Phản ứng trước nguồn thông tin trên, Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề đối ngoại của Saudi Arabia Adel al-Jubeir, người đang có chuyến thăm Mỹ, ngày 8/2 tái khẳng định Thái tử nước này không hề liên quan tới vụ việc, đồng thời cảnh báo những cáo buộc “vô căn cứ” nhằm vào Thái tử là hành vi đi quá “giới hạn đỏ”.
Tuy nhiên, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc phụ trách điều tra vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ, bà Agnes Callamard ngay 8/2 cũng khẳng định, những chứng cứ thu thập được đang cho thấy các quan chức trong chính quyền Saudi Arabia đã lên kế hoạch và có chủ đích thực hiện vụ sát hại ông Khashoggi. Báo cáo của bà Callamard được đưa ra sau chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ và nó đã nhanh chóong được Bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdul Hamit Gul hoan nghênh.
Ông Hamit Gul nói: “Tôi hi vọng bản báo cáo của báo cáo viên Liên Hợp Quốc sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra tất cả thủ phạm liên quan đến vụ việc. Phải làm sáng tỏ mọi yếu tố của vụ án này”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã kêu gọi Liên hợp quốc mở một cuộc điều tra chính thức về vụ việc khi cho rằng, Saudi Arabia đã thiếu minh bạch và rõ ràng trong quá trình điều tra và xét xử vụ án. Phát biểu với các phóng viên tại tỉnh miền Nam Antalya, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ những chứng cứ thu thập được là rất quan trọng và Liên Hợp Quốc cần điều tra chính thức vụ việc này.
Nhà báo Khashoggi bị báo mất tích từ ngày 2/10 năm ngoái, sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó 18 ngày, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán và không cho biết thi thể nhà báo trên đang ở đâu.
Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia đã thông báo bắt giữ 21 người có liên quan. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia, đồng thời yêu cầu chính phủ Saudi Arabia dẫn độ các đối tượng sang Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.
Ngày 3/1 vừa qua, Saudi Arabia đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử 11 nghi can trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Trong phiên tòa diễn ra tại thủ đô Riyadh, cơ quan công tố đề nghị án tử hình đối với 5 trong số 11 bị cáo.