Vụ ngộ độc sau uống 50ml sữa: Sự nguy hiểm của cyanua

GD&TĐ - Cyanua là hóa chất cực độc, được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong.

Bệnh nhân ngộ độc sau khi uống sữa hiện đã được xuất viện. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân ngộ độc sau khi uống sữa hiện đã được xuất viện. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do ngộ độc

Sau khi uống 50ml sữa bột, ông P.M.T (Tiền Giang) có hiện tượng choáng váng, nhức đầu khó thở, buồn nôn. Chỉ 5 phút sau, ông P.M.T rơi vào tình trạng không thở được và không nhận biết được xung quanh. Sau khi cấp cứu ở 2 bệnh viện địa phương, ông P.M.T được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) ngay trong đêm.

Khoảng 22 giờ ngày 15/10, bệnh nhân được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ nhận định người bệnh nhập khoa trong tình trạng mê sâu cấp độ 3, suy hô hấp, thở máy, huyết động không ổn định, mạch rất nhanh, nguy cơ tử vong rất cao.

Sau khi trao đổi, các bác sĩ thống nhất nhận định, đây là ca ngộ độc cấp chuyển biến cực kỳ nhanh do người bệnh tiếp xúc với một loại sữa. Ông T. còn có bệnh nền xơ gan và cao huyết áp, nên việc điều trị rất khó khăn.

Chỉ có 2 bác sĩ trong đêm trực với hàng chục ca bệnh nặng, ê-kíp cấp cứu đã sử dụng tất cả khả năng, cho người bệnh thở máy lưu lượng cao, truyền dịch, đặc biệt là lọc máu liên tục để đẩy một phần độc chất khỏi cơ thể.

Sau 12 tiếng, từ chỗ nguy kịch, bệnh nhân có dấu hiệu đáp ứng và cải thiện tri giác, bắt đầu tiếp xúc được. Những ngày tiếp theo, bệnh nhân được lọc máu 3 lần.

Khoảng 40 giờ sau nhập viện, bệnh nhân ngưng lọc máu, 10 giờ sau ngưng thở máy. Sau 6 ngày điều trị, các chỉ số của bệnh nhân về gần như bình thường. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả chất độc đã được loại khỏi cơ thể.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi vào viện bệnh nhân đã rất nguy kịch: Mê sâu, suy hô hấp, tổn thương đa tạng, các dấu hiệu sinh tồn đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có bệnh lý nền là xơ gan, tăng huyết áp nên tiên lượng khả năng tử vong cao.

Sau gần 5 ngày điều trị, sáng ngày 20/10, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, các xét nghiệm chức năng trở về gần như bình thường, loại bỏ được các chất độc khỏi cơ thể và bệnh nhân đã được xuất viện.

Trước đó, TS.BS Lê Quốc Hùng thống kê 5 độc chất theo thứ tự nghi ngờ nhất mà bệnh nhân có thể nhiễm, lần lượt là: Cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum. Đây đều là những kịch độc gây tử vong rất nhanh, có nhiều dạng khác nhau, trong đó có một dạng chung là chất màu trắng, không mùi, không vị.

Trong 5 chất này, chỉ có nhóm thuốc trừ sâu nêu trên có thuốc giải độc đặc hiệu. Các chất còn lại chỉ có thể điều trị triệu chứng và hồi sức, chủ lực là lọc máu. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể bệnh nhân có một loại men giảm, phù hợp với tình trạng người bị ngộ độc nhóm thuốc organophosphate.

Trong khi đó, kết quả tìm độc chất ở dịch dạ dày, phân, máu, nước tiểu... của bệnh nhân đều âm tính. Bác sĩ lý giải, kỹ thuật xét nghiệm đôi khi chỉ có thể tìm được khi độc chất ở nồng độ cao.

Gây tử vong chỉ với liều nhỏ

“Theo PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Một khi bị ngộ độc do cyanua, người dân không thể tự xử lý mà phải được đưa đến cơ sở y tế để điều trị tích cực và dùng thuốc giải độc. Một trong những biện pháp mà người dân cần lưu ý khi đưa người nghi ngờ nhiễm cyanua đi cấp cứu là cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng an toàn (nửa người dưới nằm sấp, mặt nghiêng sang 1 bên) khi bệnh nhân bị co giật. Không để bệnh nhân ngã. Không dùng các vật cứng cho vào miệng nạn nhân co giật. Có thể tạm thời đặt khăn gấp hoặc băng cuộn chèn miệng chống cắn”.

Ngày 21/10, nghi phạm là nam thiếu niên 14 tuổi thừa nhận đã bỏ bả chó vào hộp sữa mà cha và bà nội hay uống, dẫn đến án mạng chết người. Theo các chuyên gia, bả chó được làm từ các chất độc nguy hiểm, trong đó có cyanua và bột lưu huỳnh. Chất độc cyanua được xếp vào loại cực kỳ nguy hiểm.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cyanua là hóa chất cực độc, được hấp thu nhanh vào cơ thể, ức chế rất nhanh, mạnh với hô hấp tế bào, một liều rất nhỏ cũng có thể gây tử vong. Bệnh nhân tử vong nhanh thường do suy hô hấp, co giật. Liều gây ngộ độc của cyanua phụ thuộc vào dạng (muối hay khí), thời gian tiếp xúc và đường tiếp xúc.

Cũng theo chuyên gia này, người lớn tiếp xúc với các muối cyanua với liều 200mg hoặc 50mg acid hydrocyanic sẽ gây tử vong. Với kali hoặc natri cyanua, liều gây tử vong thấp nhất đã tìm thấy là 3mg/kg. Nồng độ hydro cyanua trong không khí từ 110ppm trong 30 phút có thể gây tử vong cho người.

Cyanua là một hóa chất thường dùng trong công nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm người dân thường dùng như măng hay sắn. Ngộ độc cyanua do ăn măng hoặc sắn chế biến không đúng cách thường xảy ra phổ biến. Hiện nay, với vấn đề ô nhiễm biển, ô nhiễm ở các bãi khai thác vàng và việc xử lý chất thải công nghiệp nguy hại không đúng... cũng gây nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

“Ngộ độc cyanua ít gặp. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn cyanua như những người làm việc ở các bãi khai thác vàng - nơi cyanua được sử dụng để chiết tách vàng, những người là lính cứu hỏa làm việc trong đám cháy hay thợ lặn ở những khu vực ô nhiễm cyanua, hoặc người làm nghề nhuộm, in, đánh bắt cá bằng hóa chất hay nghề sơn móng tay... thì đều có nguy cơ nhiễm chất độc này”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.