8 năm tù cho ông Chung tại phiên tòa sơ thẩm
Ngày 10/12/2021, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan đối với các bị cáo gồm: Ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) cùng bị cáo Võ Tiến Hùng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic). Các bị cáo bị đưa ra xét xử cùng về tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo trạng của vụ án thể hiện, để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Hà Nội thể hiện, năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra văn bản chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH. Tuy nhiên, sau đó, ông Chung lại chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua Redoxy 3C từ Công ty Arktic thay vì mua trực tiếp từ Watch water GmbH.
Tháng 5/2016, ông Nguyễn Đức Chung đã cử đoàn công tác đi CHLB Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với Watch Water GmbH và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C.
Ông Chung sau đó đã yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm và chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C.
Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) bỏ 100% vốn (5 tỉ đồng) và làm thủ tục thành lập lấy tên con trai (Nguyễn Đức Hạnh) tham gia đứng tên trong Giấy đăng ký kinh doanh.
Sau đó bà Hoa, nhờ bà Nguyễn Thị Bích Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ thay cho gia đình bị can Chung, còn bị can Nguyễn Trường Giang đứng tên sở hữu 60% vốn điều lệ.
Dưới sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch Hà Nội, Công ty Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy. Cơ quan điều tra xác định từ năm 2016 đến 2019, Arktic đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội.
Arktic mua lượng chế phẩm này từ hãng Watch water với giá 115 tỷ đồng sau đó bán lại với giá 151 tỷ đồng, hưởng lợi 36,1 tỷ đồng và đây thiệt hại trong vụ án.
Cơ quan điều tra cũng xác định, ông Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu trong việc dừng sử dụng hóa chất cũ để mua hóa chất mới; chỉ đạo bằng văn bản tiêu thụ độc quyền chế phẩm Redoxy 3C.
Tuy nhiên, bị can lại chỉ đạo miệng bị cáo Võ Tiến Hùng làm trái pháp luật mua qua Công ty Arktic nhằm mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic; can thiệp việc tạm ứng, thanh tra, tạo thuận lợi, bao che trong việc Công ty Arktic mua, bán chế phẩm Redoxy 3C.
Bị can Nguyễn Trường Giang bị xác định cùng bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa mua bán phần vốn góp của Công ty Arktic lòng vòng, không rõ ràng để che giấu hành vi phạm tội của cựu Chủ tịch TP. Hà Nội.
Bị can Võ Tiến Hùng bị xác định thực hiện chỉ đạo miệng của ông Nguyễn Đức Chung thay vì làm theo chỉ đạo trong văn bản khi ký 15 hợp đồng mua chế phẩn Redoxy, gây thiệt hại 36,1 tỷ đồng.
Trong vụ án, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa bị xác định có hành vi làm giả hồ sơ thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic. Tuy nhiên, bà Hoa không tham gia điều hành doanh nghiệp này nên các vi phạm của bà chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự.
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 13/12, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án phạt 3 bị cáo trong vụ án trên. Theo đó, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 8 năm tù; Nguyễn Trường Giang mức án 4 năm 6 tháng tù và Võ Tiến mức án 4 năm tù cùng về cùng tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các ông Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Trường Giang bồi thường hơn 7,1 tỷ đồng và bị cáo Võ Tiến Hùng bồi thường 4 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch Hà Nội kêu oan trước phiên phúc thẩm
Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội đã kháng cáo kêu oan. Đơn viết tay dài hơn 100 trang của ông Nguyễn Đức Chung gửi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng cấp sơ thẩm đã ra quyết định tuyên án oan đối với ông.
Bên cạnh đó, đơn kháng cáo và giải trình của ông Nguyễn Đức Chung nêu nhiều nội dung, song về cơ bản, bị cáo cho rằng việc quyết định mua chế phẩm Redoxy-3C mang lại nhiều lợi ích cho TP. Hà Nội nhưng chưa được cơ quan tố tụng xem xét kỹ lưỡng và phủ nhận việc ông chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua công ty gia đình.
Bị cáo cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ cấp ngân sách để xử lý đồng loạt các sông hồ. Cụ thể, năm 2009 và 2013, Hà Nội đã chọn 9 loại chế phẩm để dùng ở các công đoạn khác nhau trong cùng một quy trình xử lý ô nhiễm nước hồ.
Theo giải trình, từ năm 2016, ông Chung đã cho xử lý ô nhiễm các hồ và duy trì chất lượng nước chỉ bằng chế phẩm duy nhất là Redoxy- 3C. Trước kia phải mất 20 ngày để làm sạch nước, nhưng nay chỉ mất 24 giờ. Điều này, theo bị cáo đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận.
Ông Chung cho rằng, Công ty Thoát nước Hà Nội không thể tự đàm phán mua chế phẩm từ công ty của Đức, mà phải làm thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước bán Redoxy-3C cho UBND Hà Nội để xử lý nước hồ ô nhiễm.
Bên cạnh đó, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dùng lời khai, dùng lời nói chỉ đạo không bằng văn bản để kết tội cho ông hoàn toàn trái với các quy định của “Luật tổ chức chính quyền địa phương”, “Luật công chức, viên chức” và quy chế làm việc của UBND.
“Nguyên tắc bất di bất dịch là chỉ sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, phải có văn bản chỉ đạo hoặc thông báo ý kiến chỉ đạo của tôi thì Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ liên quan đến việc mua Redoxy-3C mới có căn cứ để thực hiện. Có nói thế nào thì nói nhưng chưa có văn bản chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố thì các cá nhân, đơn vị được giao không có căn cứ để thực hiện”, ông Chung viết trong bản giải trình.
Ngoài ra, trong đơn kháng cáo và giải trình ông Chung cho rằng quá trình mua chế phẩm trên không gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo ông Chung, 4 quyết định đặt hàng của Công ty Thoát nước Hà Nội về việc cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ, duy trì chất lượng nước cho UBND Hà Nội được ký có tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng, với 9 huyện là hơn 3 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng số tiền mua Redoxy-3C là hơn 167 tỷ đồng. “Lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại khoản lợi nhuận hơn 144 tỷ đồng”, ông Chung trình bày.
Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định toàn bộ số tiền lợi nhuận này vào Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn là công ty 100% vốn sở hữu của thành phố nên không có chuyện thất thoát tài sản.
Đối với cáo buộc của cơ quan tố tụng trong việc để “công ty gia đình” mua chế phẩm, ông Chung giải thích, gia đình ông mở công ty trách nhiệm hữu hạn từ năm 1996 với hàng chục nghìn mặt hàng, hơn 100 nhân viên.
Con trai ông cũng hơn 18 tuổi, là công dân sống độc lập với 2 vợ chồng nên hoàn toàn có quyền kinh doanh theo quy định pháp luật. Do đó, việc các cơ quan tố tụng chỉ nhìn vào vốn điều lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp để quy kết ông cho là không đúng.
Bác toàn bộ kháng cáo của ông Chung
Tại phiên phúc thẩm, trong phần lớn thời gian xét xử, ông Chung vẫn giữ nguyên quan điểm kêu oan, cho rằng việc làm của bị cáo là không sai, bị cáo không vụ lợi. Bị cáo cho rằng bản thân không biết đến Công ty Arktic; không can thiệp, chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic.
Giữ quyền công tố tại tòa, Vị đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung đối với bản án 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Cùng với đó, vị đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) về việc xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo đại diện Viện kiểm sát, sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 8 năm tù, ông Nguyễn Đức Chung gửi đơn, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng mình không phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị cáo Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước) những người liên quan cùng toàn bộ hồ sơ vụ án, cơ quan công tố đủ căn cứ kết luận ông Nguyễn Đức Chung khi giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã tạo điều kiện cho Công ty Arktic thông qua việc cho bị cáo Giang tham gia quá trình mua bán, thương lượng hợp đồng nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C.
Sau đó, bị cáo Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm xử lý ô nhiễm nước từ Nguyễn Trường Giang thông qua Công ty Arktic. Như vậy, hành vi trên của ông Chung và các bị cáo trái với các quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm sau khi xem xét, đánh giá và lượng hình, đã tuyên ông Chung 8 năm tù. Tòa cũng tuyên bị cáo Giang 4 năm 6 tháng tù với vai trò đồng phạm của ông Chung. Viện KSND Cấp cao đánh giá những hình phạt này là phù hợp với hành vi của các bị cáo.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm buộc ông Chung bồi thường 69% thiệt hại của vụ án, tương đương 25 tỷ đồng. Đây cũng là mức tuyên phù hợp nên Viện KSND Cấp cao thấy không có căn cứ chấp nhận kháng án của ông Chung.
Quyết định khôn ngoan vào phút chót
Tại phiên xét xử ngày 20/6, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng cho biết, chị gái ông Nguyễn Đức Chung là bà Nguyễn Thị Vân được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng bà đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Theo Hội đồng xét xử, chị gái ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng thay em trai để khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử thông tin, chị gái ông Chung giải thích về hành động này là do xuất phát từ tình cảm gia đình.
Tại phần tranh luận diễn ra tại phiên xét xử vào buổi chiều ngày 21/6, Hội đồng xét xử thông báo, các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung có xuất trình một số biên lai nộp thêm tiền ký tên vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Trao đổi với chị gái và vợ, gia đình ông Chung thống nhất vay mượn bạn bè, người thân để gom được số tiền 15 tỷ đồng. Ông Chung đồng ý nộp 15 tỷ đồng này để khắc phục hậu quả vụ án.Như vậy, ông Chung đã khắc phục hoàn toàn số tiền được tòa cấp sơ thẩm cho là bản thân ông đã gây thiệt hại trong vụ án.
Ngoài ra, ở cuối phần tranh luận, trước khi bước sang phần nghị án, ông Nguyễn Đức Chung thay đổi thái độ, đã nhận trách nhiệm về phía mình.Trước diễn biến mới này, đại diện Viện KSND Cấp cao đã đề nghị tòa xem xét giảm án cho ông Chung.
TAND Cấp cao tại Hà Nội sau đó đã chấp nhận kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và tuyên bị cáo mức án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, ông Chung bị tuyên phạt 8 năm tù với tội danh trên tại phiên xét xử sơ thẩm.
Như vậy, với mức án 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước đã tuyên trước đó, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chịu hình phạt tổng cộng 10 năm tù.
Với việc đã khắc phục hoàn toàn thiệt hại nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo, đề nghị của 3 bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án về việc hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản đối với 3 bị cáo và Công ty Arktic.
Cụ thể, vợ chồng cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được hủy bỏ lệnh kê biên nhà đất diện tích 102,7 m2 tại số 88 phố Trung Liệt (quận Đống Đa); hủy bỏ lệnh kê biên đối với 2 căn hộ cùng có diện tích 175,7 m2 tại một khu chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
Trao đổi về diễn biến phiên xử phúc thẩm này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Theo nội dung bản giải trình 100 trang của ông Nguyễn Đức Chung và nội dung trình bày tại phiên tòa thì ông Chung không thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời cũng không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên. Ông Chung kháng cáo đề nghị tòa án đình chỉ vụ án.
Như vậy, nếu ông Chung không thay đổi nội dung kháng cáo, vẫn kêu oan thì về nguyên tắc thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về việc ông Chung có bị oan hay không chứ không xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Chung thì có thể tòa án sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội. Còn trường hợp không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan thì tòa án có thể giữ nguyên bản án sơ thẩm”.
Cũng theo ông Cường, thông thường, trường hợp bị cáo thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả ở cấp phúc thẩm thì tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do có tình tiết mới là bị cáo đã ăn năn về hành vi của mình nên không cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc như ở cấp sơ thẩm, rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo.
Còn trường hợp bị cáo không nhận tội, không ăn năn hối cải, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, cũng không động viên gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả thì tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới, trường hợp tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo phạm tội thì có thể sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.
“Theo quy định tại khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự thì bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc khắc phục hậu quả có thể do bị cáo tự mình khắc phục hoặc tác động để những người thân trong gia đình khắc phục thay.
Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội bởi vậy theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự”, ông Cường phân tích
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho rằng, trong vụ án này, theo diễn biến phiên tòa thì cho đến phần tranh luận ông Chung vẫn không nhận tội và không nhờ người nhà bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thay. Tại phiên tòa ông Chung đề nghị làm rõ số tiền này là chị gái (bà Vân) cho mượn hay khắc phục thay bởi vậy nếu trường hợp tòa án cấp phúc thẩm kết tội ông Chung thì việc bồi thường khắc phục hậu quả sẽ không được xem xét theo khoản 1, Điều 51 Bộ Luật hình sự mà chỉ có thể là tình tiết ghi nhận theo khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự và sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng tại cấp phúc thẩm có một số tình tiết mới nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, xét tính chất nghiêm trọng của vụ án lên đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa án giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên sau đó, ông Trung đã thay đổi thái độ, nhận trách nhiệm và động viên gia đình bồi thường khắc phục hậu quả và nộp đủ số tiền 25 tỷ đồng. Đây là tình tiết mới quan trọng thể hiện thái độ thành khẩn khai báo và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bởi vậy Viện kiểm sát đã thay đổi nội dung đề nghị, đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.
“Theo quy định của pháp luật thì việc có sửa bản án sơ thẩm hay giữ nguyên bản án sơ thẩm là thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Qua diễn biến phiên tòa, đến nay thì cả Viện kiểm sát và người bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo, đồng thời thái độ khai báo của bị cáo cũng có những thay đổi, có thêm tình tiết mới là bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.
Đây là những tình tiết quan trọng để tòa án có thể xem xét chấp nhận yêu cầu của đại diện Viện kiểm sát và yêu cầu của luật sư bào chữa, yêu cầu của bị cáo. Việc xem xét có chấp nhận hay không được thực hiện trong quá trình nghị án, Hội đồng xét xử sẽ biểu quyết theo đa số để quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận. Thẩm quyền quyết định cuối cùng vẫn là Hội đồng xét xử.
Tuy nhiên quan điểm cá nhân tôi cho rằng với diễn biến phiên tòa như vậy thì việc giảm hình phạt cho bị cáo là có căn cứ, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, đồng thời nếu giảm hình phạt thì cũng đủ để cải tạo giáo dục bị cáo chứ không thích nhất thiết phải có mức hình phạt nghiêm khắc như bản án sơ thẩm đã tuyên”, ông Cường nói.
Vị Luật sư cũng cho hay, thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay thì kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi.
Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án và đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.
“Theo quy định của pháp luật thì có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Và hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Bởi vậy trường hợp bị cáo không nhận tội và toà án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt.
Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét, đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội để xác định bị cáo có phạm tội hay không, việc kết tội của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ hay không. Trường hợp hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định việc kết tội bị cáo là có căn cứ thì sẽ xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho phù hợp”, ông Cường phân tích.
Về việc hủy bỏ quyết định kê biên tài sản, ông Cường cho rằng, việc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản đối với bị cáo là cần thiết. Bởi diễn biến phiên tòa cho đến nay đã có nhiều thay đổi, bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả đối với toàn bộ thiệt hại đã gây ra nên việc kê biên tài sản là không cần thiết. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án sơ thẩm để có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các tài sản của bị cáo.