Ngày 20/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Hà Nội. Tại tòa, ông Chung trình bày, nếu các cơ quan tố tụng kết luận có thiệt hại, ông sẽ liên hệ với gia đình yêu cầu nộp tiền khắc phục hậu quả.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cũng cho biết, chị gái ông Nguyễn Đức Chung được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng bà đã có đơn xin xét xử vắng mặt.
Theo Hội đồng xét xử, chị gái ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng thay em trai để khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử thông tin, chị gái ông Chung giải thích về hành động này là do xuất phát từ tình cảm gia đình.
Với thông tin trên, dư luận đặt ra câu hỏi liệu ông Chung có được giảm án?
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo nội dung bản giải trình 100 trang của ông Nguyễn Đức Chung và nội dung trình bày tại phiên tòa thì ông Chung không thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời cũng không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên, Ông Chung kháng cáo đề nghị tòa án đình chỉ vụ án.
Luật sư Cường cho biết thêm, như vậy, nếu ông Chung không thay đổi nội dung kháng cáo, vẫn kêu oan thì về nguyên tắc thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về việc ông Chung có bị oan hay không chứ không xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trường hợp chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Chung, có thể tòa án sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội. Còn trường hợp không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan thì tòa án có thể giữ nguyên bản án sơ thẩm.
"Thông thường thì trường hợp bị cáo thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả ở cấp phúc thẩm thì tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do có tình tiết mới là bị cáo đã ăn năn về hành vi của mình nên không cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc như ở cấp sơ thẩm, rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo.
Còn trường hợp bị cáo không nhận tội, không ăn năn hối cải, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, cũng không động viên gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả thì tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới, trường hợp tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo phạm tội thì có thể sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm", ông Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường phân tích, theo quy định tại khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự thì bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Việc khắc phục hậu quả có thể do bị cáo tự mình khắc phục hoặc tác động để những người thân trong gia đình khắc phục thay.
Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội bởi vậy theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
"Tuy nhiên trong vụ án này, theo diễn biến phiên tòa thì đến nay ông Chung vẫn không nhận tội và không nhờ người nhà bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thay, tại phiên tòa ông Chung đề nghị làm rõ số tiền này là chị gái cho mượn hay khắc phục thay bởi vậy nếu trường hợp tòa án cấp phúc thẩm kết tội ông Chung thì việc bồi thường khắc phục hậu quả sẽ không được xem xét theo khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự mà chỉ có thể là tình tiết ghi nhận theo khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự và sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay thì kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi. Có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án và đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm", ông Cường chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật thì có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Và hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Bởi vậy trường hợp bị cáo không nhận tội và toà án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt.
“Tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét, đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội để xác định bị cáo có phạm tội hay không, việc kết tội của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ hay không. Trường hợp hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định việc kết tội bị cáo là có căn cứ thì sẽ xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho phù hợp.
Trường hợp khi xem xét các yếu tố liên quan đến việc định tội và căn cứ quyết định hình phạt mà thấy cấp sơ thẩm đã giải quyết đầy đủ, đúng pháp luật, tại cấp phúc thẩm bị cáo vẫn không thành khẩn khai báo, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, việc bồi thường khắc phục hậu quả là do người thân trong gia đình tự nguyện bồi thường mà bị cáo không biết, cũng không đồng ý đối với việc bồi thường thì rất có thể tòa án sẽ giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm chỉ có thể thay đổi nếu kháng cáo của bị cáo được chấp nhận hoặc có những tình tiết mới có ý nghĩa trong việc quyết định đến tội danh và hình phạt. Vấn đề này tòa án sẽ tiếp tục làm rõ qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa và sẽ có kết quả vấn đề giải quyết vụ án này", luật sư Cường nhấn mạnh.