Vụ mất tích uẩn khúc của "Nữ hoàng kẹo ngọt" Mỹ

GD&TĐ - Helen Brach, góa phụ người Mỹ giàu có với biệt danh là “Nữ hoàng kẹo ngọt” đột ngột biến mất không dấu vết.

“Nữ hoàng kẹo ngọt” Helen Brach thời trẻ.
“Nữ hoàng kẹo ngọt” Helen Brach thời trẻ.

Mặc dù đã nửa thế kỷ trôi qua, cảnh sát vẫn chưa tìm ra lời giải của vụ án còn các nghi can đều đã lần lượt qua đời.

Lộ diện nghi phạm đầu tiên

Sinh năm 1911 tại một thị trấn nhỏ ở bang Ohio, Mỹ, Helen Brach kết hôn với người tình thời trung học năm 17 tuổi nhưng ly hôn sau 4 năm chung sống. Bà chuyển đến thành phố Miami, bang Florida sau cuộc hôn nhân chóng vánh.

Tại đây, Helen gặp và kết hôn cùng triệu phú Frank V. Brach, người sở hữu Công ty Bánh kẹo Brach Emil J. Brach. Thời điểm đó, công ty bánh kẹo của gia đình nhà Frank là một trong những “ông lớn” trong ngành thực phẩm Mỹ.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển đến sống tại bang Chicago. Những ngày tháng sau đó trôi qua trong êm đẹp. Đến ngày 29/1/1970, Frank qua đời. Ông để lại cho người vợ thân yêu một dinh thự, bộ sưu tập xe hơi cùng khoảng 30 triệu USD tiền thừa kế, tương đương gần 160 triệu USD hiện nay. Sở hữu khối tài sản khổng lồ cùng nhan sắc xinh đẹp, Helen nổi tiếng với biệt danh “Nữ hoàng kẹo ngọt”.

Công ty Bánh kẹo Brach từng rất được ưa chuộng tại Mỹ vào những năm 70.
Công ty Bánh kẹo Brach từng rất được ưa chuộng tại Mỹ vào những năm 70.

Sau khi chồng qua đời, Helen lựa chọn cuộc sống kín tiếng, ít xuất hiện trước truyền thông. Để giết thời gian, bà thường hay lui tới các bữa tiệc xa hoa do giới nhà giàu tổ chức. Tại đây, năm 1973, Helen được giới thiệu làm quen với Richard Bailey, người đàn ông điển trai kém bà 20 tuổi.

Nổi tiếng là người đào hoa, Richard ngay lập tức thu hút sự chú ý của góa phụ bởi phong thái lịch lãm, lối nói chuyện hài hước, dí dỏm. Từ sau đó, Richard thường tặng hoa cho Helen, rủ bà tham dự các bữa tiệc trong giới. Hai người nhanh chóng trở thành một đôi.

Ngày 17/2/1977, Helen đến khám tại một phòng khám tư ở thành phố Rochester, bang Minnesota. Kết quả kiểm tra cho thấy sức khỏe của Helen vẫn ổn định, song bà bị thừa cân nhẹ. Trên đường về, Helen dừng lại ở một cửa hàng quà tặng và mua mỹ phẩm.

Cô Phyliss Redalen, nhân viên thu ngân tại cửa hàng, nhớ lại: “Bà Helen đã ghé vào cửa hàng chúng tôi mua đồ. Lúc ấy, dáng vẻ bà ấy rất vội vã. Bà thúc giục: “Xin hãy đóng gói nhanh giúp tôi. Người nhà tôi đang đợi””.

Cô Phyliss là người cuối cùng nhìn thấy Helen còn sống. Trên lý thuyết, bà sẽ phải lên chuyến bay đến Chicago theo lịch trình sau đó nhưng phi hành đoàn chưa bao giờ thấy bà bước lên máy bay.

Jack, quản gia lâu năm cho gia đình Helen.
Jack, quản gia lâu năm cho gia đình Helen.

Tuy nhiên, John “Jack” Matlick, quản gia nhà Helen, khẳng định đã đón bà chủ từ sân bay quốc tế O’Hare, bang Chicago và lái xe về dinh thự vào ngày 17/2. Jack được ông chủ quá cố Frank Brach thuê làm tài xế riêng từ năm 1959.

Ông nhanh chóng chiếm được lòng tin của ông bà Frank và được giao làm quản gia kiêm quản lý sổ sách cho gia đình sau khi Frank qua đời. Tuy nhiên, Jack là người nghiện cờ bạc và thường “nướng” hết số tiền kiếm được cho các sòng bài địa phương.

Theo quản gia, suốt 4 ngày sau đó, Helen chỉ ở trong dinh thự, không di chuyển đi đâu. Một số người bạn của Helen đến thăm hỏi nhưng bị Jack từ chối và giải thích rằng bà chủ không được khỏe. Helen cũng không gọi điện cho ai trong suốt những ngày sau đó. Thời gian này, Jack cũng ở lại dinh thự qua đêm dù thông thường, ông trở về nhà cách đó vài mét.

Đến ngày 21/2, Helen nói có công việc cần tới bang Florida nên yêu cầu Jack đưa ra sân bay vào khoảng 6 giờ sáng. Sau đó, Jack không còn nghe bất kỳ tin tức nào về Helen. Tuy nhiên, bạn bè của Helen phản đối tính xác thực của thông tin này do lời khai của Jack trái ngược với những gì họ biết về Helen.

Đầu tiên, “Nữ hoàng kẹo ngọt” là một người rất ghét dậy sớm và không bao giờ đặt ra sân bay trước 10 giờ nên việc xuất phát từ 6 giờ là khó khả thi. Tiếp đó, Jack khai rằng, Helen mang theo rất ít hành lý nhưng bình thường, góa phụ luôn đi du lịch với rất nhiều hành lý và một hành trình được lên kế hoạch chi tiết.

Hơn nữa, phía cơ quan hàng không xác nhận không có tài liệu nào về việc Helen bay khỏi sân bay O’Hare vào hôm đó. Bạn bè của Helen ở Florida lẫn Chicago đều không hay biết việc bà du lịch đến Florida.

Ngoài ra, người làm vườn cho dinh thự nhà Helen thông tin với cơ quan điều tra rằng, vào cuối tuần đó, anh ta đã nhìn thấy Jack cùng 2 người lạ xuất hiện trong dinh thự. Một người là phụ nữ trẻ, mặc chiếc váy rộng thùng thình và đội tóc giả trông khá giống Helen. Người còn lại thì nhân chứng không nhìn rõ mặt.

Cùng ngày, Jack cũng thuê nhân công sơn lại hai căn phòng, thay thảm và lau rửa kỹ càng cho chiếc xe ô tô Cadillac màu hồng của bà chủ. Điều đáng nghi nhất là một tấm séc trị giá 15.000 USD ghi tên Jack là người thụ hưởng sau khi góa phụ biến mất.

Jack khai đây là món quà Helen dành tặng cho ông vì đã chăm sóc ngôi nhà nhưng giám định cho thấy chữ viết tay và chữ ký của Helen trên tấm séc là giả mạo. Sau đó, Jack lại khai rằng, Helen bị viêm khớp tay nên nhờ ông ta viết và ký séc thay. Ngoài ra, Jack còn bị phát hiện ăn cắp số tiền trị giá 75.000 USD từ nhà Helen.

Đặc biệt, sau khi Helen mất tích 14 ngày, tính từ hôm 21 như Jack khai nhận, vị quản gia này cũng không báo cảnh sát. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ là lập luận, giả thuyết không có bằng chứng xác thực nên cảnh sát không thể truy tố Jack.

Không có vũ khí, máu, thi thể, sợi tóc, thậm chí cả nhân chứng, Jack cũng hoàn thành bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Helen dường như đã “bốc hơi” khỏi Trái đất.

Tên nhân tình “đào mỏ”

Sau đó, mọi nghi ngờ đổ dồn về phía nhân tình của Helen, Richard Bailey. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Richard là chủ sở hữu của trại buôn bán ngựa và một câu lạc bộ đua ngựa lớn trong thành phố.

Hắn cũng nổi tiếng là kẻ “đào mỏ” ở bang Chicago vì thường tiếp cận những người phụ nữ giàu có trung niên mới ly hôn hoặc góa chồng. Sau đó, thuyết phục họ đầu tư vào đua ngựa và lặng lẽ bòn rút tiền của họ.

Trong thời gian yêu nhau, Richard đã lừa phỉnh Helen mua 3 con ngựa ốm yếu (giá thực tế là 18.000 USD) với giá 98.000 USD (tương đương 500.000 USD hiện nay).

Được đà, Richard cố gắng bán thêm nhiều con ngựa khác cho Helen nhưng góa phụ đâm ra nghi ngờ. Helen âm thầm thuê một người thẩm định ngựa và phát hiện số ngựa là vô thưởng vô phạt, không có giá trị như Richard tâng bốc.

Bạn bè của Helen cho biết, góa phụ rất ghét bị lừa dối. Sau khi phát hiện sự việc, Helen đã thu thập thông tin, chứng cứ để gửi luật sư địa phương và dự định khởi tố Richard. Nhưng bà đã không thể làm được điều này vì đột ngột biến mất.

Sau khi Helen mất tích, Richard tiếp tục tiếp cận những người phụ nữ giàu có khác và dụ dỗ họ đầu tư vào ngựa xấu.

10 năm sau, vào năm 1989, cơ quan điều tra bang Chicago đã quyết định lật lại vụ án Helen Brach. Họ tình cờ phát hiện một đường dây lừa đảo liên quan đến những con ngựa thuần chủng và một trong hai bị can là Richard.

Đường dây này tập trung vào các góa phụ giàu có, khuyến khích họ đầu tư mua ngựa xấu với giá hét trên trời. Nếu nạn nhân nghi ngờ, chúng sẽ giết chết những con ngựa và đền bù cho người mua một chút tiền bảo hiểm.

Richard bị cáo buộc cấu kết với Silas Jayne, thủ lĩnh một băng đảng xã hội đen và là kẻ cầm đầu đường dây buôn bán ngựa. Silas cũng là nghi phạm trong 3 vụ mất tích của những góa phụ giàu có mê ngựa khác từ năm 1966. Vì Helen dự định tố cáo hành vi của Richard với luật sư nên chúng phải “bịt đầu mối”.

Cơ quan điều tra đã cáo buộc Richard với 29 tội danh liên quan đến lừa đảo, rửa tiền và giết người. Richard đã thừa nhận mọi tội danh trừ việc lừa đảo bà Helen hay liên quan đến sự mất tích của bà. Richard bị kết án chung thân, sau đó giảm xuống 30 năm nhờ kháng cáo.

Richard Bailey trong phiên tòa năm 2017.
Richard Bailey trong phiên tòa năm 2017.

Lật lại vụ án

28 năm sau vụ mất tích, năm 2005, Joe Plemmons, tay sai của Silas Jayne, tố cáo Helen đã bị sát hại theo chỉ đạo của Silas Jayne. Hắn ta không muốn Helen mang các bằng chứng về ngựa xấu đến gặp luật sư vì sợ làm lộ tẩy đường dây buôn ngựa.

Theo lời kể của Joe, đàn em của Silas đã dụ dỗ Helen đến “sào huyệt” của bọn chúng và đánh bà đến bất tỉnh. Sau đó, Silas tự tay bắn 2 phát đạn vào góa phụ và đốt xác để xóa sạch dấu vết. Thông tin mà Joe cung cấp không có bằng chứng xác thực hay nhân chứng nên cơ quan điều tra từ chối tiếp nhận. Silas qua đời năm 2016.

Cuối cùng, vụ mất tích của Helen Brach vào năm 1977 vẫn là một ẩn số. Đến nay, vụ án này vẫn thường được đưa ra bàn luận, điều tra nhưng hầu hết các nhân chứng hoặc nghi can có liên quan đến vụ án đều đã qua đời. Mọi suy luận hiện nay đều chỉ là giả thuyết.

Trong đó, giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất là Jack, người quản gia, chính là hung thủ thật sự. Động cơ giết người là cướp của để trả món nợ cờ bạc ngày càng khổng lồ của ông ta.

Thậm chí, có giả thuyết cho rằng Jack, Richard và Silas đã cấu kết với nhau vì bất kỳ ai trong số họ cũng đều hưởng lợi từ cái chết của Helen. Nhắc đến người phụ nữ lạ mặt xuất hiện cùng Jack trong những ngày cuối tuần tại dinh thự của Helen, có người cho rằng, đây là người giả mạo góa phụ để lừa phỉnh mọi người rằng bà chưa chết.

Richard được thả tự do vào tháng 7/2019 ở tuổi 81. Đến thời điểm này, ông vẫn khẳng định không liên quan gì đến vụ mất tích của Helen Brach.

Ở quê nhà Ohio, những người thân vẫn chăm sóc cho ngôi mộ trống của bà. Phần lớn số tài sản của bà được chuyển sang Quỹ Helen V. Brach, tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ và bảo vệ trẻ em bị ngược đãi tại Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.