Vụ mang bom giả đến cướp ngân hàng ở TPHCM: Cần làm rõ động cơ gây án

GD&TĐ - Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang tạm giữ hình sự Phùng Thị Thắng (24 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi cướp tài sản tại chi nhánh của Ngân hàng Techcombank ở quận Tân Phú, TPHCM.

Nghi phạm Phùng Thị Thắng lúc bị bắt và lúc thực hiện phi vụ tại Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Bình, TPHCM). Ảnh: IT
Nghi phạm Phùng Thị Thắng lúc bị bắt và lúc thực hiện phi vụ tại Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký (Q.Tân Bình, TPHCM). Ảnh: IT

Nữ nghi phạm sa lưới do nợ nần

Theo Công an TPHCM, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an đã bắt giữ được nghi phạm thực hiện vụ cướp tại Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tại Q.Tân Phú (TPHCM).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM hiện đang tạm giữ hình sự Phùng Thị Thắng (24 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi cướp tài sản. Tại cơ quan điều tra, bước đầu nghi phạm đã khai thực hiện phi vụ để chi trả các khoản tiền nợ nần.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vụ cướp tài sản xảy ra khoảng 12 giờ 30 phút ngày 10/10 tại Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký trực thuộc Techcombank - chi nhánh Tân Bình (địa chỉ 98A Trương Vĩnh Ký, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TPHCM).

Vào thời điểm này, Phùng Thị Thắng đi taxi hãng Vinasun, đầu đội nón lưỡi trai, mang kính đen, bịt khẩu trang che kín mặt, đeo túi xách, cho xe đậu đối diện Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký, đồng thời yêu cầu tài xế taxi dừng xe chờ đi vào phòng giao dịch. 

Khi vào trước cửa bị bảo vệ chặn lại vì ngân hàng đã nghỉ thì nghi phạm bảo “xin vào trong lấy đồ”. Vào được bên trong, người phụ nữ đi thẳng vào quầy rồi đặt một túi màu hồng, bên trong nhiều bình ga mini, xăng, dây đèn nháy... rồi hô to “có bom”, đồng thời ném một phong bì bảo giao cho tổng giám đốc ngân hàng, trong vòng 48 tiếng phải phản hồi.

Tiếp đó, nữ nghi phạm cầm chai xăng tưới lên bàn, yêu cầu một nữ nhân viên phòng giao dịch gom tiền bỏ hơn 2 tỷ đồng vào trong túi. Sau khi lấy tiền, người phụ nữ cột cửa ngân hàng lại, lên xe taxi chạy về hướng Trương Vĩnh Ký - Gò Dầu.

Sau đó, nghi phạm rời taxi, vào một trung tâm thương mại ở Q.Tân Phú và một trung tâm thương mại trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) để xóa dấu vết. Cụ thể, Thắng vào nhà vệ sinh thay quần áo, thay nón lưỡi trai, mua một vali sắp xếp lại số tiền cướp được.

Sau khi, nhận tin báo vụ việc, lãnh đạo Công an TPHCM đã phân công các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an Q.Tân Phú triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương truy bắt nghi phạm. Trong khoảng thời gian ngắn truy xét, đến 15 giờ cùng ngày, Công an Q.Tân Phú đã phát hiện, bắt giữ Thắng tại Vincom Plaza Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cùng tang vật và tài sản cướp được.

Khai nhận ban đầu tại cơ quan điều tra, Thắng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Nói về hành vi phạm pháp, Thắng khai do đang nợ nần chồng chất, hoàn cảnh khó khăn nên nghĩ ra cách liều lĩnh đi cướp ngân hàng, không có đồng phạm. Khi được hỏi về số tiền nợ nần, bước đầu Thắng khai chủ yếu chỉ vay tiền nhỏ lẻ ở bên ngoài. Sau đó nợ nần chồng chất lên đến mấy trăm triệu đồng…

Nữ nghi phạm Phùng Thị Thắng từng tham gia nhiều chương trình truyền hình giải trí như Thách thức danh hài, Chạm tới ước mơ. Thắng có kênh YouTube cá nhân với nghệ danh Kang Pi, chuyên cover các hit, mới đây là How You Like That, Là một thằng con trai, Sao anh chưa về nhà…

Hiện trường xảy ra vụ cướp được công an phong tỏa. Ảnh: CTV
Hiện trường xảy ra vụ cướp được công an phong tỏa. Ảnh: CTV

Cướp ngân hàng đối diện mức án thế nào?

Sau khi sự việc xảy ra, trao đổi với báo chí một đại diện taxi Vinasun cho biết trường hợp tài xế taxi trong vụ này hoàn toàn vô tình, không hề biết người khách đi cướp ngân hàng. Việc khách gọi taxi chở đến gần một địa điểm nào đó đậu xe chờ, rồi sau đó chở khách đi là bình thường.

Cụ thể, khi biết cô gái đi taxi cướp ngân hàng, tài xế đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, góp phần giúp tìm ra và bắt giữ nghi phạm. Phía taxi Vinasun khi nhận thông tin về vụ việc đã khẩn trương thông qua hệ thống Vinasun App tìm hướng đi của nghi phạm, hỗ trợ thông tin cho công an.

Ở góc độ luật pháp, Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho rằng, hành vi dùng vũ lực, hung khí đe dọa cán bộ nhân viên ngân hàng để lấy tài sản là hành vi cướp tài sản, đối tượng và vật chứng đã được thu giữ. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc với khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. 

Cụ thể, Điều 168 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, TS Hiếu cũng cho rằng, mặt khách quan của tội cướp tài sản là có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đó là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho người bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể sử dụng vũ lực (khi bắn, chém, kích hoạt khối thuốc nổ, bom, mìn…) ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị tấn công.

Đối tượng tác động của tội cướp tài sản là tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tài sản của công dân. Đối với tội danh này, việc hậu quả có xảy ra hay không (có lấy được tài sản hay không), giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt.

Thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc người thực hiện hành vi phạm tội có hành vi sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Ý thức chủ quan ban đầu của người phạm tội đã chuẩn bị sẵn các công cụ phạm tội nhằm quyết tâm đoạt được tài sản bất hợp pháp. Như vậy, việc thực hiện hành vi phạm tội trên là phù hợp với dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản.

Do đó, theo TS Bùi Kim Hiếu, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh làm rõ danh tính người thực hiện hành vi phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ