Tin đồn về người đàn ông 60 tuổi, hơn 1.000 bạn tình và HIV: Tất cả đều sai sự thật
Từ tối 7/7, vụ “Hồng Tỷ’ Nam Kinh, Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận. Một phiên bản lan truyền cho rằng một người đàn ông 60 tuổi giả gái, có quan hệ với hơn 1.000 người đàn ông và nghi ngờ lây nhiễm HIV. Tin đồn này nhanh lan mạnh trên mạng xã hội và được bàn tán xôn xao.
Hashtag “chú áo đỏ” đã trở thành từ khóa thịnh hành nhất trên mạng xã hội Weibo ngày 8/7, thu hút ít nhất 200 triệu lượt xem khi người dùng bày tỏ sự kinh ngạc và sốc.
Tuy nhiên, sự thật được hé lộ khi công an quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh công bố ngày 8/7: Đối tượng tên Jiao Moumou (nam, 38 tuổi, người ngoại tỉnh), giả gái để hẹn hò với nhiều đàn ông, quay lén các cuộc quan hệ và đăng tải lên Internet.
Thông tin về “ông già 60 tuổi”, “hơn 1.000 người bạn tình”, hay “lây HIV” đều không đúng sự thật. Ngày 6/7, Jiao đã bị tạm giữ hình sự do bị tình nghi phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Hiện vụ việc đang được điều tra thêm.
Thực tế duy nhất được xác nhận là: Jiao mặc đồ phụ nữ và có quan hệ tình dục với nhiều người. Nhưng trước sự tò mò quá mức và thích bàn tán, vụ việc đã bị tin đồn và lượt xem chi phối, trở thành một trò hề lệch xa bản chất vụ việc.
Khi thông tin giật gân lấn át sự thật và quy định bị phớt lờ
Các chủ đề liên quan đến quan hệ giới tính luôn thu hút lưu lượng truy cập và sự chú ý mạnh mẽ. Giáo sư ngành truyền thông Tô Chấn Đông từng đưa ra lý thuyết “truyền thông yếu”, nhấn mạnh rằng thông tin đơn giản, nhẹ nhàng, giải trí hoặc thậm chí dung tục luôn dễ lan truyền hơn những nội dung nghiêm túc, phức tạp.
Vụ “Hồng Tỷ” Nam Kinh điển hình cho quy luật này: yếu tố kích thích tình dục và hình ảnh đàn ông giả gái dễ dàng đánh trúng tâm lý tò mò, khiến đám đông bị cuốn vào.
Trong hoàn cảnh đó, những người tạo ra và lan truyền tin đồn chính là những “người kết nối” và “người bán hàng” theo lý thuyết truyền thông của Malcolm Gladwell trong cuốn The Tipping Point – họ nối dài chuỗi lan truyền và biến tin đồn thành hiệu ứng đám đông.
Quá trình này không còn là truyền tin 1 chiều hay 2 chiều mà mang tính phi tập trung, lan tỏa như cháy rừng. Nếu thiếu sự bác bỏ kịp thời từ các cơ quan chức năng, hậu quả sẽ là một “thảm họa dư luận” khó cứu vãn.
Vì vậy, trong một môi trường truyền thông hòa trộn giữa sự tò mò và lối lan truyền phi lý, tin đồn thường xuất hiện từ nơi công chúng dồn cảm xúc và được củng cố qua các tương tác lặp đi lặp lại.
Trách nhiệm từ cả người dùng và nền tảng
Đây là thực trạng mà chúng ta đang sống – một thế giới bùng nổ thông tin, nơi thật giả lẫn lộn khó phân biệt.
Để ngăn chặn tác hại từ tin đồn, cần thực hiện 2 biện pháp song song: Xử lý nghiêm người tung và lan truyền tin sai sự thật, đồng thời siết chặt trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội.
Điều này được nêu rõ trong “Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung thông tin mạng” của Trung Quốc, theo đó người sản xuất nội dung không được tạo, sao chép hoặc phát tán nội dung xâm phạm danh dự, quyền riêng tư hoặc các quyền hợp pháp khác.
Đồng thời, nền tảng dịch vụ nội dung cũng phải có trách nhiệm giám sát, không lan truyền nội dung sai lệch và phải có biện pháp xử lý kịp thời theo luật định khi phát hiện vi phạm.
Tò mò và tin đồn: Hai mặt của một đồng xu
Vụ việc trên là minh chứng mới nhất cho mối quan hệ song hành giữa tò mò và tin đồn. Trong thời đại “hậu sự thật”, mọi tin ngớ ngẩn, thuyết âm mưu hay lời vu khống đều có thể tìm thấy người cổ súy.
Công chúng có quyền và tự do tìm hiểu, tò mò nhưng quyền này không nên trở thành mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng tin đồn sai sự thật.