Theo kết luận số 1561/CSĐT của Công an TP Đà Lạt, 11 nội dung tố cáo trong đơn thư tố cáo của cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn ( gửi ngày 25/5/2018) được làm rõ và chi tiết sau gần 5 tháng điều tra.
Nhiều sai phạm của hiệu trưởng được kết luận là đúng
Kết luận sau điều tra với sự xác nhận của các đương sự cho thấy 10/11 hành vi bị tố cáo là đúng sự thật. Trong các nội dung tố cáo, Hiệu trưởng cũng như Kế toán nhà trường đã có hành vi kê khống một ít số lượng thực phẩm, lập khống hai hợp đồng kinh tế để tư túi cho riêng mình số tiền 26 triệu đồng.
Một là nội dung lập khống hợp đồng phun thuốc diệt côn trùng (số tiền thanh toán là 14 triệu đồng). Kết luận của cơ quan Công an cho thấy ngày 15/9/2017, qua sự giới thiệu của giáo viên nhà trường, bà Lê Thị Tuyết Oanh – đã liên hệ với ông Lộc – nhân viên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng để ông Lộc sẽ thực hiện công việc phun thuốc diệt côn trùng cho nhà trường, trong năm học mới 2017 – 2018, giá dịch vụ là 14 triệu đồng.
Tuy nhiên tại cơ quan điều tra ông ông Lộc thừa nhận, hợp đồng phun thuốc diệt côn trùng với nhà trường là hợp đồng khống, do công ty (nơi cung cấp dịch vụ) ký giúp cho ông Lộc, chứ không có giao dịch gì với nhà trường. ông Lộc đã đưa lại cho bà Oanh số tiền 6,8 triệu đồng, kèm theo tờ giấy viết tay ghi là phải trừ lại tiền thuế 30%, tiền hóa chất.
Kết luận của Cơ quan CSĐT-CATP Đà Lạt về những sai phạm của các cá nhân tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn- TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng |
Hai là nội dung lập khống hợp đồng chiếm đoạt tiền bảo trì máy tính khống năm 2017 (số tiền thanh toán là 8 triệu đồng). Cơ quan Công an đã chứng minh rõ đây là hành vi sai trái, khi bà Lê Thị Tuyết Oanh đã làm khống hợp đồng với ông Nguyễn Văn Toàn- Trung tâm máy Văn phòng Phú Thành.
Bà Oanh và ông Toàn đã cùng nhau thống nhất mức giá 8 triệu đồng cho việc cài đặt 40 máy vi tính, để làm hồ sơ thanh toán tiền ngân sách. Việc thực hiện, sửa chữa này được thực hiện trong 2 ngày của tháng 4/2017.
Để hợp thức hóa việc thanh toán số tiền này theo đúng định mức (6 tháng bảo trì máy một lần), bà Oanh và ông Toàn đã cùng nhau thống nhất soạn thảo bộ hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn, phiếu dịch vụ khống…thể hiện việc bảo trì máy trong khoảng thời gian từ 1/1/ đến 31/5/2017 (5 tháng).
Ba là việc kê khống thực phẩm, khẩu phần ăn bán trú của học sinh. Kết luận của cơ quan Công an là có sai pham. Số tiền kê khống số lượng thực phẩm để hưởng chênh lệch số tiền hơn 4,4 triệu đồng từ Kế toán Hồ Thị Kiều Liên là đúng.
Quá trình xác minh, điều tra của Công an TP Đà Lạt cho thấy, những sai phạm trong nội dung này đến do việc quản lý quỹ bán trú của nhà trường không chặt chẽ, không theo đúng trình tự, thủ tục về tài chính- kế toán.
Hiệu trưởng và Kế toán cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong việc ghi chép- xuất nhập thực phẩm ăn hàng ngày…Tuy nhiên, quá trình điều tra cơ quan Công an xác định các hành vi trên chưa đủ căn cứ xác định có hành vi chiếm đoạt đối với nguồn tiền quỹ bán trú của Kế toán và hiệu trưởng.
Tùy tiện chi sai nhiều khoản, buông lỏng quản lý
Không chỉ có sai phạm về tài chính, lập khống hợp đồng để biển thủ tiền riêng cho cá nhân, bà Lê Thị Tuyết Oanh còn bị cơ quan Công an chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý khi tùy tiện chi sai nhiều khoản chi.
Cụ thể, bà Oanh cùng Phó hiệu trưởng Lê Thị Thanh Hoa đã duyệt chi sai tiền Quỹ đội số tiền hơn 14 triệu đồng ( bà Oanh duyệt cho sai nguồn 8.214.00 đồng). Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng bị cơ quan điều tra chỉ ra việc chi sai nguyên tắc với nguồn tiền được hỗ trợ trong Dự án thực nghiệm đổi mới giáo dục với số tiền là 92.346 đồng.
Đặc biệt, bà Oanh đã buông lỏng quản lý, giám sát khi không chỉ đạo việc nhập quỹ, quản lý quỹ dúng quy định đối với nguồn tiền hoa hồng nhà trường được hưởng từ các công ty bảo hiểm với số tiền 32.008.000 đồng, nguồn tiền chiết khấu từ việc bán SGK 19.130.000 đồng.
Bà Lê Thị Tuyết Oanh cũng đã Vi phạm quy định tại Chương II, Chương IV- Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Cụ thể, đã chỉ đạo lập sổ quỹ “khác” để quản lý nguồn thu từ hoa hồng, chiết khấu thanh toán được hưởng của nhà trường từ các công ty. Không đưa vào quản lý theo nguồn kinh phí tự chủ của cơ quan.
Cơ quan CSĐT-CATP Đà Lạt đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân để làm gương |
Trước những chứng cứ, tài liệu thu thập được, cùng với lời khai nhận của các đối tượng vi phạm và người có liên quan. Cơ quan CSĐT- CATP Đà Lạt xác định; các hành vi của các đối tượng Lê Thị Tuyết Oanh, Lê Thị Thanh Hoa, Hồ Thị Kiều Liên không đủ yếu tố cáo thành tội phạm.
Bởi theo cơ quan Công an, các hành vi “lập quỹ trái phép” và “tham ô tài sản” nhưng do hậu quả gây ra cho đơn vị chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời qua trình xác minh cơ quan CSĐT nhận thấy không có đủ cơ sở để chứng minh mục đích tư lợi và hành vi chiếm đoạt tài sản từ các hành vi lập khống chứng từ thanh toán tiền của các đối tượng Oanh, Liên. Các hành vi vi phạm của các cá nhân này là vi phạm hành chính về chế độ Tài chính- Kế toán.
Với những vi phạm chưa đến mức phải khởi tố hình sự, nhưng cơ quan CSĐT- CATP Đà Lạt cho rằng các ban ngành quản lý( PV- Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt) cần phải xử lý kỷ luật nghiêm để có tác dụng răn đe, giáo dục chung.