Thực hư vụ việc gần 600 giáo viên có thể bị chấm dứt hợp đồng ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ khác về chủ thể ký hợp đồng

GD&TĐ - Liên quan đến vụ việc gần 600 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai (Hà Nội) sẽ bị chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 1/9/2018 tới đây, phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại đã liên hệ với ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Oai (Hà Nội) để tìm hiểu về sự việc này.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội)
Hoạt động ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội)

Những ngày qua thông tin về gần 600 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai có nguy cơ mất việc làm đang được báo chí phản ánh khiến dư luận quan tâm. Vậy bản chất của sự việc này là gì, thưa ông?

- Thực tế là UBND huyện Thanh Oai ký hợp đồng với 434 giáo viên theo hình thức hợp đồng dài hạn, hưởng hệ số lương là 1,0. Trong đó, có người đã được ký 22 năm và người ít nhất là hơn 4 năm.

Ngày 19/7/2018 UBND huyện Thanh Oai ban hành Công văn số 1020 về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số: 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND thành phố Hà Nội, trong đó có nêu: UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được UBND huyện ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc UBND huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian thực hiện từ ngày 1/9/2018.

Như vậy về bản chất, trước đây UBND huyện ký hợp đồng thì từ ngày 1/9/2018 sẽ chuyển giao cho hiệu trưởng các trường ký với 434 giáo viên. Tức là chỉ khác về chủ thể ký hợp đồng. Trước đây Chủ tịch UBND huyện là người trực tiếp ký hợp đồng thì nay là hiệu trưởng ký. Và những giáo viên được hiệu trưởng các trường ký hợp đồng vẫn làm việc bình thường, các chế độ không thay đổi so với trước đây.

Vậy huyện có đảm bảo là 434 giáo viên sẽ tiếp tục được ký hợp đồng với hiệu trưởng các trường công lập trực thuộc huyện?

- Khi giao cho hiệu trưởng ký hợp đồng với các giáo viên thì chỉ được phép ký trong số định biên. VD: Trường Tiểu học A được định biên là 30 giáo viên nay chỉ có 25 giáo viên thì hiệu trưởng sẽ được phép ký thêm hợp đồng với 5 giáo viên nữa chứ không phải thích ký bao nhiêu hợp đồng cũng được.

Hiện nay, huyện Thanh Oai đang có 85 giáo viên tiểu học được UBND huyện ký hợp đồng. Thực tế, huyện đang thiếu 80 giáo viên tiểu học và đang đề xuất TP Hà Nội cho thi tuyển viên chức. Trong lúc chờ thành phố phê duyệt thì tất cả giáo viên tiểu học đều có cơ hội tái ký hợp đồng với nhà trường. Tinh thần là thiếu bao nhiêu giáo viên sẽ được ký hợp đồng bấy nhiêu.

Tuy nhiên, khi được UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho thi tuyển viên chức giáo viên tiểu học thì 85 giáo viên hợp đồng đó sẽ được quyền tham gia; nếu trúng tuyển thì tiếp tục làm việc, còn trượt sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động để nhường chỗ cho người trúng tuyển vào làm việc. Lúc này là cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

Tương tự đối với giáo viên THCS, hiện toàn huyện đang thiếu gần 100 giáo viên nhưng trên thực tế đang có hơn 100 giáo viên được huyện ký hợp đồng. Khi có đợt thi tuyển viên chức giáo viên thì họ sẽ được tham gia dự tuyển, nếu đỗ thì tiếp tục dạy học còn trượt thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với giáo viên mầm non, sau khi có Công văn số 1020 của huyện, tôi đã triệu tập họp 24 hiệu trưởng trường mầm non. Hiện nay hiệu trưởng các trường mầm non công lập đang phụ trách về mặt chuyên môn các nhóm tư thục, nằm rải rác trên địa bàn huyện. Các hiệu trưởng đã hứa, nếu giáo viên có nhu cầu thì hiệu trưởng sẽ giới thiệu sang dạy ở các nhóm tư thục và có thể giới thiệu 70 giáo viên dạy ở trường tư thục.

* Nói như vậy thì có nghĩa là vẫn có giáo viên sẽ phải chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 1/9/2018 vì liên quan đến yếu tố định biên của các trường?

- Thực tế, trong số giáo viên được ký hợp đồng, có nhiều giáo viên đã trải qua 8 - 9 lần thi vào biên chế nhưng không đỗ. Riêng huyện Thanh Oai đã tổ chức thi 4 lần, các giáo viên này đều tham gia dự thi nhưng không đạt. Song họ vẫn không bị chấm dứt hợp đồng, qua nhiều năm số lượng mới tăng lên 434 giáo viên.

Với những giáo viên không được tái ký hợp đồng sẽ được giải quyết theo chế độ, chính sách bảo hiểm. Nếu họ có nhu cầu đóng bảo hiểm tự nguyện thì huyện sẽ can thiệp với phòng bảo hiểm để họ tiếp tục được bảo hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.