Như thông tin PV báo Người Đưa tin đã đăng tải, thời gian vừa qua, có một số hộ dân tại khu vực phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phản ánh lên cơ quan chức năng về việc gạo chuyển màu xanh sau khi ngâm nước.
Điều này khiến nhiều người dân không hiểu sự việc hoang mang, lo lắng khi gạo là thực phẩm hàng ngày trong bữa cơm của người Việt Nam.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Thọ Quang đã cử cán bộ trực tiếp xuống làm việc với các hộ dân. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Võ Đình Công đã gửi Báo cáo số 294/BC-UBND lên lãnh đạo quận Sơn Trà vào ngày 12/5.
Phòng Y tế quận Sơn Trà đã kiểm tra và lấy 4 mẫu gạo của bà Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thu, Lê Thị Nga và Nguyễn Thị Loan để tiến hành kiểm tra.
Sau khi lấy về phòng Y tế quận kiểm tra, tiến hành ngâm gạo trong suốt 18h ngày 13/5 đến 18h ngày 14/5, thì không thấy hiện tượng đổi màu.
Việc gạo ngâm qua 48 tiếng gây hiện tượng lên men, đổi màu khi thời tiết quá nóng hay quá ẩm |
Đến chiều 18/5, Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, ông Nguyễn Đức Xứng, tiếp tục chỉ đạo Phòng Y tế quận, phối hợp với Phòng Kinh tế quận tiếp tục xuống phường Thọ Quang để xác minh thông tin.
Ba tổ kiểm tra đi lấy mẫu ở 25 cơ sở (1 cơ sở tạm nghỉ) kinh doanh gạo trên địa bàn phường Thọ Quang. Tất cả các mẫu thử nghiệm ngâm trong 5 đến 10 phút đều không có hiện tượng đổi màu.
Tiếp tục thử nghiệm ngâm gạo từ 12h trưa ngày 18/5 đến 12h trưa ngày 19/5, 24 mẫu gạo đều không có hiện tượng đổi màu. Do đó, báo cáo của Trưởng Phòng Y tế Lê Thị Thu Nga gửi UBND quận Sơn Trà và UBND phường Thọ Quang đều khẳng định độ an toàn, không gây ảnh hưởng sức khỏe đến người dân.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Quý (nguyên cán bộ Công ty lương thực TP Đà Nẵng) giải thích hiện tượng gạo đổi màu vừa qua. Ông Quý cho biết mình trải qua hơn 30 năm công tác bảo quản lương thực, thực phẩm tại TP, nhất là bảo quản gạo.
“Hiện tượng gạo đổi màu chia thành 2 loại là màu xanh hay màu vàng. Việc này thường xảy ra khi gạo gặp phải nước. Rất nhiều chủ buôn gạo đều biết hiện tượng này, nhưng người dân ít gặp nên không hiểu.
Gạo người dân ngâm đến 48 tiếng thì tinh bột trong sau khi bị nhúng nước sẽ sản sinh việc lên men. Nếu gạo ngâm nước không no rồi để trong môi trường nhiệt độ cao sẽ chuyển sang màu vàng. Còn nếu ngâm nước rồi để trong môi trường nhiệt độ thấp sẽ chuyển sang màu xanh”, ông Quý giải thích.
Trao đổi thêm với ông Nguyễn Tứ (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Đà Nẵng), chúng tôi cũng nhận được ý kiến tương tự.
“Với ý kiến của người trong nghề như ông Quý, việc này là có thật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả kiểm nghiệm để có một thông tin chính xác nhất để người dân an tâm".
"Câu chuyện năm 2014, khi người dân cũng cho rằng gạo đổi màu, có mùi hôi ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), thì tôi cũng là người xử lý. Việc kiểm tra sau đó cho thấy, gạo hoàn toàn bình thường. Còn lần này, chúng tôi cũng đang chờ kết quả báo cáo từ thanh tra quận Sơn Trà để tiếp tục làm rõ sự việc lần này", ông Tứ kết luận.