Tuy nhiên, Vũ Đức Sao Biển lại sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, ông đến Bạc Liêu với lý do được phân công đi dạy học ở đây. Nhưng sống ở vùng đất thấm đẫm âm nhạc Đờn ca tài tử, Vũ Đức Sao Biển đã hòa mình vào với những giai điệu đậm tình sông nước Cửu Long.
Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đã từng kể lại ông đến Bạc Liêu khi chỉ mới 22 tuổi, cái tuổi của sự háo hức, tò mò và đầy lãng mạn. Chính mảnh đất này cách đây hơn 40 năm trước, nhạc sỹ Cao Văn Lầu trong một đêm sầu cảm đã ôm đàn, viết lên bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.
Vũ Đức Sao Biển đã được nghe bản Dạ cổ hoài lang từ những tay đờn giọng ca tài tử miệt vườn. Chất nghệ sỹ đã khiến ông khám phá ra chất âm nhạc đầy ma mị mà đắm say trong Dạ cổ hoài lang. Theo Vũ Đức Sao Biển, bản đờn đó đã thâu tóm trọn vẹn chất Oán trong hồn tính lãng mạn tươi đẹp của âm nhạc phương Nam. Từ đó, âm hưởng của bản Dạ cổ hoài lang đã theo ông suốt cuộc đời, tạo niềm cả hứng khiến ông viết lên các ca khúc với giai điệu, lời ca mang đậm chất của... Dạ cổ.
Có khi là một tứ của giai điệu, có khi là những ca từ.... “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu Hoài lang. Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm. Xề u xế u liu phạn. Dây tơ đàn kìm buông thiết tha” (Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang)... hay là “Về trông sóng lúa mênh mông, hẹn những mùa vàng bội thu. Bạc Liêu miền đất phương Nam, sáng ngời tình yêu thủy chung. Chất ngất trong ta tấm lòng ai thiết tha mong đợi. Tiếng ca mơ màng theo cung đàn Dạ cổ hoài lang”. (Trở lại Bạc Liêu)... Về phương Nam lắng nghe cung đàn, Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng, Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn. Chợt thương con sáo bay xa bầy, Sương khói buồn để lại lòng ai. Con sáo sang sông, Sáo đã sổ lòng. Bay về Bạc Liêu, con sáo bay theo phương người... (Điệu buồn phương Nam) ....
Có người còn gọi ông là “Người khoác chiếc áo mới cho Dạ cổ hoài lang” khi tìm cách phục dựng, ký âm lại bản Dạ cổ hoài lang theo lối ký âm phương Tây. Ông đã đưa bản ký âm mới này cho những ca sỹ nổi tiếng như Hương Lan, Hạnh Nguyên thể hiện...
Ông cũng tìm những cộng sự cùng ông dịch lời hát của Dạ cổ hoài lang sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa... góp phần đưa bản đờn bất hủ này đến với người nghe khắp thế giới.