Cùng lúc này có một người đàn ông khác ngồi kế bên nói chuyện lớn tiếng bất ngờ bị con chó phóng tới tấn công, quật ngã. Nạn nhân bị chó cắn, tử vong tại chỗ. Ông H. ngăn cản chó liền bị nó giật ngã và cắn nhiều vết trên đầu, vai, tay làm ông bị thương khá nặng. Sau khi cắn chết người, con chó Pitbull bỏ chạy vào một khu nhà trọ. Người dân đã điện báo lực lượng chức năng bắn hạ.
Vụ việc thương tâm trên cho thấy, công tác quản lý việc nuôi chó của chính quyền địa phương hiện nay còn lỏng lẽo; người dân còn chủ quan, chưa đảm bảo các biện pháp an toàn khi nuôi chó. Nếu người chủ rọ mõm cho chó khi dắt đi dạo hoặc buộc chó cẩn thaann khi ngồi uống cà phê thì không thể xảy ra vụ việc đau lòng nêu trên.
Sự việc nêu trên không thể đổ lỗi cho nạn nhân hay chính con chó, mà lỗi hoàn toàn thuộc về người chủ chó.
Người chủ chó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể: theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại như: Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vô ý làm chết người.
Mặc dù, pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm dân sự lẫn hình sự nhưng việc yêu cầu bồi thường cũng như xử lý hình sự thời gian qua vẫn chưa nghiêm nên không có tính răn đe và giáo dục ý thức đối với chủ sở hữu vật nuôi. Người nuôi chó hiện nay chưa quan tâm đến việc đăng ký vật nuôi với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã và chưa ký cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình theo đúng quy định, vì vậy, việc quản lý còn lỏng lẻo, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dại trong cộng đồng.
Mặt khác, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng nhưng không xích giữ, không có người dắt hoặc chưa tiêm phòng dại,…đây là những hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt của lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm này là rất hạn chế.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý việc nuôi chó của người dân hiện nay. Khi xảy ra vụ việc chó tấn công gây thương thường tích hoặc chết người thì phải truy đến cùng trách nhiệm dân sự, kể cả hình sự đối với chủ sở hữu vật nuôi.