Sau khi Báo GD&TĐ phản ánh: Hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn ở chợ Thiều (Dân Lý, Triệu Sơn) phản ứng gay gắt việc chính quyền cấm bán thịt lợn để chống dịch tả lợn châu Phi. Sở NN&PTNT tỉnh này đã lập tức vào cuộc, kiểm tra và chỉ đạo tích cực.
Sở NN&PTNT vào cuộc kiểm tra
Chiều ngày 24/5, ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Ông đã nắm được thông tin và đã xem thông báo của địa phương. Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã giao cho Phó giám đốc Nguyễn Viết Thái lên làm việc với lãnh đạo UBND huyện và các xã của huyện Triệu Sơn về việc thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ NN&PTNT. “Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vấn đề sai trái, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo chấn chỉnh lại ngay”- ông Giang khẳng định.
Ông Bùi Văn Tỉnh - Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý xác nhận, xã có ban hành văn bản thông báo cấm giết mổ, kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn là theo chỉ đạo của huyện. Ngày 16/5, xã Dân Lý đã công bố dịch. Đến thời điểm này, xã Dân Lý đã tiêu hủy hơn 100 con, trọng lượng hơn 11 tấn. Tổng đàn lợn toàn xã Dân Lý là hơn 700 con, trong đó, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, không có gia trại, trang trại.
Nhiều tiểu thương ở chợ Thiều bức xúc phản ánh việc chính quyền cấm bán thịt lợn từ ngày 16/5/2019. |
Trả lời báo chí, ông Lã Văn Lâm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Triệu Sơn cho biết, huyện chỉ đạo rất nghiêm túc, nhưng xã lại hiểu sai. Huyện sẽ tiến hành họp các chợ, các tiểu thương và chính quyền xã để phổ biến lại vấn đề này.
Theo tim hiểu của phóng viên,được biết, từ ngày 16/5, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Triệu Sơn. Đến nay, dịch đã lan rộng đến 19/36 xã.
Trước đó, ngày 20/3, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo tập trung, triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó có nêu rõ về quản lý việc giết mổ lợn.
Theo đó, Bộ NN&PTNT cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng có dịch (cấp xã, huyện, tỉnh). Đồng thời, thịt và sản phẩm từ thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch bệnh theo cấp địa phương đã công bố.
Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sau mỗi ca giết mổ...
Chiều ngày 25/5, theo ông Nguyễn Viết Thái, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thông báo này hoàn toàn đúng theo Luật Thú y nhưng lại không đúng với tinh thần tại Công văn 1960/BNN-TY ngày 20/3/2019 của Bộ NN&PTNT.
Cũng theo ông Thái, Sở đã đề nghị và UBND xã Dân Lý có thông báo mới thay thế thông báo trên để đảm bảo thịt lợn được lưu thông theo đúng quy định.
Xã ban hành thông báo lại
Theo đó, ngày 24/5, UBND xã Dân Lý đã phát hành thông báo mới (thay cho thông báo ngày 16/5) về việc chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Theo nội dung thông báo này nêu: “Được sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT và UBND huyện Triệu Sơn hướng dẫn về công tác quản lý phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. UBND xã điều chỉnh thông báo số 90, ngày 16/5 như sau:
Nghiêm cấm việc giết mổ, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn tại xã có dịch trong suốt thời gian có dịch mà không rõ nguồn gốc vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.
Cấm vận chuyển các loại lợn ra vào xã có dịch (trừ lợn có xuất phát điểm từ các cơ sở có chứng nhận an toàn dịch bệnh còn hiệu lực với các bệnh khác và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả châu Phi, được phun tiêu độc khử trùng và hướng dẫn đường đi của cơ quan Thú y có thẩm quyền cho phép).
Thông báo lại của UBND xã Dân Lý. |
Cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi trong vùng dịch, thịt và sản phẩm từ thịt lợn, chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch. Việc giết mổ phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y. Điểm giết mổ lợn được sự giám sát của cán bộ Thú y xã và chính quyền địa phương...Thời gian thực hiện thông báo này kể từ ngày 24/5/2019 đến khi công bố hết dịch.
Trước đó, như GD&TĐ đã phản ánh, hàng trăm tiểu thương buôn bán thịt lợn ở chợ Thiều, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) bức xúc trước việc chính quyền địa phương ban hành văn bản cấm bán thịt lợn để chống dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) ký, ban hành thông báo về việc chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Dân Lý, gửi đến các trưởng thôn, các hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn xã .
Công văn nêu: “Căn cứ quyết định số 2958/QĐ – UBND, ngày 16/5/2019 của Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn về việc công bố dịch tả lợn châu Phi...Thực hiện theo công điện số 04/CĐ-UBND ngày 17/5/2019 về việc chống dịch tả lợn châu Phi...”
Theo đó, Chủ tịch UBND xã Dân Lý yêu cầu: Nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh, giết mổ và các hộ chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều, xã Dân Lý) ra vào địa bàn của xã, thời gian bắt đầu từ ngày 16/5/2019. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5/2019 cho đến khi hết dịch được công bố của UBND huyện. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật...”
Do đó, tất cả 120 sạp hàng buôn bán thịt lợn của chợ này đều trắng trơn. Hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán thịt lợn ở chợ Thiều đã đồng loạt phản ứng gay gắt trước việc Chủ tịch UBND xã Dân Lý ban hành thông báo nghiêm cấm buôn bán thịt lợn.
Nhiều người cho rằng; việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn là đúng. Tuy nhiên, phòng chống dịch tả lợn châu Phi không phải là cấm hoàn toàn thịt lợn như đang xảy ra ở địa phương. Việc chính quyền địa phương ra thông báo cấm cả việc kinh doanh buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn khiến bà con tiểu thương gặp nhiều khó khăn.