Vụ “bêu xấu” lãnh đạo Quảng Trị: HĐXX đã thẳng thắn, công tâm!

Kết luận "quá trình điều tra đã có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng" rồi trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “bêu xấu” lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thể hiện sự công tâm, quyết đoán của HĐXX .

Bị cáo Lê Anh Dũng trả lời chất vấn trước HĐXX
Bị cáo Lê Anh Dũng trả lời chất vấn trước HĐXX

Vì sao bị cáo và người liên quan liên tục phản cung?

Như báo GD&TĐ đã thông tin, trong 2 ngày 29 – 30/10, TAND tỉnh Quảng Trị đã đưa ra xét xử vụ án: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 1 Điều 331 BLHS.

3 bị cáo gồm: Lê Anh Dũng (SN 1965, nghề nghiệp kinh doanh, trú tại TP Hồ Chí Minh), Phan Bùi Bảo Thi (SN 1971, nghề nghiệp nhà báo, trú tại TP Đà Nẵng) và Nguyễn Huy (SN 1977, công tác tại Công an tỉnh Quảng Trị, trú tại tỉnh Quảng Trị).

Các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, ảnh hưởng gồm: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Công an tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (nay là Bộ trưởng Bộ VHTT&DL), ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Đỗ Văn Bình - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Trị (nay là Bí thư Huyện ủy Cam Lộ), bà Trần Thị Thu - Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Trị và ông Trần Đức Việt - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị. Các bị hại đều vắng mặt tại phiên xét xử có lý do.

Cáo buộc của VKS kết luận: Hành vi của 3 bị cáo đã làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Công an tỉnh với cán bộ và nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân trên địa bàn đối với các tổ chức này; ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của các lãnh đạo.

Bên cạnh đó, cũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nên cần xử lý nghiêm theo pháp luật.

Các bị cáo trong vụ "bêu xấu" lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại phiên tòa vào ngày 29/10
Các bị cáo trong vụ "bêu xấu" lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tại phiên tòa vào ngày 29/10

Tuy nhiên, trong suốt 2 ngày xét xử tại tòa, cả 3 bị cáo cùng 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đều công tác tại Công an tỉnh Quảng Trị, gồm bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Dương Thị Anh Tài và Phùng Thị Thùy Linh) liên tục phản cung, không đồng ý với kết luận của cáo trạng.

Các bị cáo Dũng và Thi cho rằng bản thân bị bắt bất ngờ vào thời điểm giáp Tết nên tâm lý ảnh hưởng, dẫn đến lời khai với điều tra viên không chính xác, lời khai tại tòa mới là sự thật. Mong HĐXX thấu rõ vụ việc, có bản án công tâm và tuyên các bị cáo vô tội.

Bị cáo Dũng thừa nhận mình có nhắn tin tâm sự với FB "Hoàng Lê", nhưng đó chỉ là những tâm tư muốn giải bày. Bị cáo không hề biết trang Facebook Thu Hà và cũng không phải là người quản lý 2 trang Facebook này, nên các bài viết ở trên các trang này không phải do bị cáo đăng tải. Khi chuyển lại tin nhắn sang cho Faecbook Hoàng Lê bị cáo không hề cho bị cáo Thi biết.  

Bị cáo Thi cho rằng những bài viết này do chính bản thân đi thu thập từ nhiều nguồn thông tin. Những nội dung nào đã xác minh thì đăng báo, còn chưa xác minh thì biên tập lại gửi cho bị cáo Dũng với mục đích đọc cho vui và dự định làm tư liệu lưu trữ để phục vụ cho cuốn tiểu thuyết “Miền gió nóng” mà bị cáo đang thực hiện.

Khi gửi cho bị cáo Dũng cũng không nhắn gửi yêu cầu gì và cũng không biết vì sao các bài viết đó lại bị phơi bày trên mạng. Bị cáo cũng cho rằng đây là câu chuyện cá nhân lại biến thành tội hình sự.

Còn bị cáo Huy cho rằng 26 bài viết mà bị cáo biên tập đều được lấy thông tin từ các trang báo chính thống rồi biên tập lại và có dùng câu từ hơi quá. Các bài viết này được nhắn gửi cho bị cáo Dũng từng đoạn rời rạc, nhưng không biết vì sao khi đăng lên Facebook lại được thêm thắt nội dung. Đồng thời cho rằng hành vi này chỉ đáng bị xử phạt hành chính.

3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều phủ nhận cung cấp thông tin cho bị cáo để bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của một số lãnh đạo tỉnh, ngành Quảng Trị. Những người này khẳng định họ chỉ trao đổi cá nhân với bị cáo do quen biết nhau. 

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị trình bày luận tội
Đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị trình bày luận tội 

Cũng tại phiên tòa này, các luật sư của các bị cáo cho rằng cơ quan điều tra vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc trưng cầu giám định tư pháp khi tổ giám định viên không đủ điều kiện của luật định và quá trình giám định các bài viết có vấn đề; việc đánh giá thiệt hại của cá nhân, tổ chức không cụ thể…

Sau 2 ngày tổ chức thẩm vấn công khai tại tòa, xem xét toàn diện vụ án, cũng như căn cứ vào lời khai của bị cáo và các bên liên quan, cùng chứng cứ thu thập được, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị đã kết luận: "quá trình điều tra vụ án đã có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng". 

Chủ tòa phiên tòa - ông Lê Thiết Hùng đọc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Chủ tòa phiên tòa - ông Lê Thiết Hùng đọc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Theo phân tích đánh giá của HĐXX, trong vụ án này việc trưng cầu, cử người giám định chưa đảm bảo theo Luật Giám định tư pháp. 

Mặt khác, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Quảng Trị lại cử người khác so với đề nghị của cơ quan an ninh điều tra. Đây là thiếu sót nghiêm trọng về mặt thủ tục để hình thành nên Người giám định tư pháp.

Tiếp đến, phần lớn nội dung kết luận giám định đều thể hiện các bài viết có nội dung chủ yếu là vu khống, xuyên tạc. Phần còn lại của các bài viết là nói xấu, bôi nhọ, xâm phạm uy tín, danh dự, nhưng cáo trạng truy tố các bị can về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" là chưa đúng về bản chất sự việc và tội danh. 

Bên cạnh đó, cáo trạng truy tố các bị cáo xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức nhưng không đưa đại diện các tổ chức tham gia tố tụng là thiếu sót và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Căn cứ kết luận giám định nêu “nói xấu, bôi nhọ; xâm phạm ủy tin, danh dự” của các bị hại, bản cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Trị truy tố các bị can về tội danh nêu trên nhưng chưa làm rõ được các bị hại đã bị xâm phạm với mức độ thiệt hại như thế nào, hậu quả của các bài viết ra sao, các bài viết đăng trên các trang mạng đó mỗi bài viết có bao nhiêu lượt xem, có bao nhiêu bình luận đồng tính hay phản đối để từ đó xác định yếu tố xâm phạm đều chưa được chứng minh làm rõ.

Ngoài ra, việc xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong hồ sơ vụ án và bản cáo trạng này. HĐXX đã dừng xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

HĐXX đã rất quyết đoán!

Đánh giá về kết luận của Chủ tọa phiên tòa "quá trình điều tra đã có những sai phạm tố tụng nghiêm trọng", theo một số chuyên gia về luật theo dõi phiên tòa khẳng định, kết luận trên thể hiện sự công tâm, khách quan, thậm chí là quyết đoán hơn nhiều so với những gì mà dư luận nhận định.

Thứ nhất, theo các chuyên gia này, cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Quảng Trị nêu, hành vi của các bị cáo đã xâm hại, gây mất uy tín, thiệt hại...; nhưng cả đối tượng bị xâm hại lẫn mức độ xâm hại đều mơ hồ, vô căn cứ. Nó đã rõ ràng đến mức Tỉnh ủy Quảng Trị cũng không công nhận. Cụ thể, 1 ngày trước phiên tòa, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có văn bản trả lời luật sư khẳng định: Tỉnh ủy, Ủy ban..., tình hình chính trị trị - trật tự địa phương không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ hành vi của các bị cáo trong vụ án. Không cơ quan nào bị mất uy tín hay bị sút giảm niềm tin.

Tỉnh ủy Quảng Trị đã đánh giá, khẳng định bằng văn bản thì rõ ràng đã rất chính xác, có trách nhiệm và đáng tin cậy. Khách thể khẳng định như vậy, thì cần phải xem lại việc Viện KSND tỉnh truy tố các bị cáo tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp của tổ chức, cá nhân”.

Cũng theo những chuyên gia này, việc giám định thiệt hại lại do một cơ quan đương nhiệm cụ thể là Công an tỉnh Quảng Trị chỉ đạo và công nhận sẽ khó có sự khách quan, công tâm. Cụ thể, thành phần được CQĐT trưng cầu giám định tư pháp đều là cấp dưới trực tiếp hoặc trực thuộc của những "bị hại" khác (Giám đốc Sở VH-TT&DL và Chủ tịch UBND tỉnh). Vì thế, HĐXX đã rất công minh khi chỉ ra: không thể dùng kết quả vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng để làm căn cứ cho kết luận cáo trạng.

Chưa hết, ngoài đăng báo, việc đăng facebook, bị cáo không tự đăng, không biết đăng ở đâu, trong khi đó facebook “Hoàng Lê”- nơi đăng bài, CQĐT cũng không xác định được ai là chủ để định tội. Không xác định được ai là chủ trang đăng tải làm sao xác định đúng hành vi và mức độ phạm tội của người có bài đăng để xử?

Các chuyên gia về luật khẳng định, việc hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một quyết định rất sáng suốt, thể hiện sự quyết đoán, mạnh mẽ của HĐXX và Chủ tọa phiên tòa.

Theo cáo trạng do VKSND tỉnh Quảng Trị, đầu năm 2020, xuất phát từ bức xúc cá nhân và nhận thức sai lệch về chống tiêu cực, ông Dũng xin 1 tài khoản Facebook, đổi tên Thu Hà rồi bàn với ông Thi viết bài nói xấu về ông Trần Đức Việt - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị.

Ông Thi thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến tình hình nội bộ Công an tỉnh Quảng Trị và cá nhân ông Việt, kết hợp thông tin do ông Dũng cung cấp để biên tập thành các bài viết rồi gửi cho ông Dũng đăng lên Facebook Thu Hà. Do Facebook Thu Hà bị lỗi, nên ông Dũng lại xin một tài khoản Facebook Hoàng Lê và tiếp tục đăng các bài viết liên quan đến ông Việt.

Tháng 7/2020, ông Việt nghỉ hưu, nên ông Dũng và ông Thi bàn với nhau hạn chế viết bài về ông Việt, và chuyển hướng thu thập thông tin, viết bài về một số lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, gồm các ông Nguyễn Văn Hùng, Võ Văn Hưng, Lê Đức Tiến, Đỗ Văn Bình. Các bài viết được ông Dũng đăng tải trên Facebook Hoàng Lê, fanpage Quảng Trị 357, fanpage QUẢNG TRỊ 357.

Đến tháng 11/2020, ông Huy biết ông Thi và ông Dũng đứng sau các bài viết đăng trên mạng xã hội nói trên. Có mâu thuẫn cá nhân và nhận thức sai lệch về mục tiêu chống tiêu cực, nên ông Huy đã thu thập thêm tư liệu, thông tin rồi viết thành bài viết có nội dung liên quan đến bà Trần Thị Thu, ông Trần Đức Việt và thông tin nội bộ về Công an tỉnh Quảng Trị chuyển cho ông Dũng để đăng trên các trang Facebook…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ