Vụ án Công ty Alibaba: Truy vết sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai?

GD&TĐ - Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, bên cạnh việc điều tra, Công an TPHCM đã chuyển hồ sơ cho công an 3 tỉnh liên quan để điều tra dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Văn phòng chi nhánh Công ty Alibaba tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: CTV
Văn phòng chi nhánh Công ty Alibaba tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: CTV

Có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai?

Thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho hay đã chuyển hồ sơ vụ Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) Công ty Alibaba cho Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra một số sai phạm khác.

Cụ thể, trong quá trình điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Alibaba, Cơ quan CSĐT phát hiện toàn bộ dự án dân cư ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận được vẽ, lập trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn là đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Đồng thời, việc chuyển nhượng không được xem là Hợp đồng dân sự hợp pháp để có thể thực hiện theo các hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo. Vì vậy, số tiền mua đất nền của khách hàng được xác định đã bị chiếm đoạt bởi hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư không có thật của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) cùng đồng phạm tại thời điểm nhận tiền thanh toán từ khách hàng.

Bên cạnh đó, Công ty Alibaba không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác, do đó, Cơ quan CSĐT xác định toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba là bất hợp pháp. Cùng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM còn xác định Công ty Alibaba còn phạm thêm  tội phạm “Rửa tiền” do Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện), Nguyễn Thái Lực (em Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) thực hiện.

Cụ thể, các bị can này đã thực hiện hành vi chuyển số tiền 13 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp, chiếm đoạt được của khách hàng lần lượt qua các tài khoản của Thắng, Mai và Lực mở tại một ngân hàng trong tháng 9/2019 để che giấu nguồn gốc, sau đó rút và sử dụng cho cá nhân.

Tính đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố đối với 23 bị can thuộc nhóm công ty liên quan đến Công ty Alibaba về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Vì sao Công ty Alibaba lừa được mấy nghìn người?

Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực đã bị bắt giam. Ảnh: IT
Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực đã bị bắt giam. Ảnh: IT

Một điểm đáng lưu ý, theo thống kê của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, tính đến ngày 15/12/2020, đơn vị này đã tiếp nhận 3.924 đơn của người tố cáo hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm tại Công ty Alibaba, với tổng với số tiền chiếm đoạt lên đến 2.373 tỷ đồng. Nghi vấn đặt ra là tại sao Công ty Alibaba lừa đảo được nhiều người và trong một thời gian dài như vậy?

Quá trình điều tra, lực lượng an ninh đã xác định Nguyễn Thái Luyện là đối tượng thành lập Công ty Alibaba, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu với vốn điều lệ đăng ký là 1 tỷ đồng.

Sau đó tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng và Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) làm Giám đốc, đại diện pháp luật. Theo Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty Alibaba thì Nguyễn Thái Luyện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Luyện đã chỉ đạo một số người thân trong gia đình và cá nhân thuộc Công ty Alibaba đứng tên thành lập thêm 22 pháp nhân khác nhau, cùng chung đặc điểm là đều có cổ phần hoặc vốn góp của Công ty Alibaba và cá nhân người thân hoặc nhân viên.

Cụ thể, Công ty Alibaba đã sử dụng 10 pháp nhân thực hiện hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản với vai trò chủ đầu tư; che giấu phương thức, thủ đoạn phạm tội và tẩu tán tài sản, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Sau đó, Luyện tiếp tục chỉ đạo các pháp nhân này đứng tên nhiều dự án không có thật, với mục đích khi có dự án bị chính quyền địa phương cưỡng chế, sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án khác.

Theo Cơ quan CSĐT, các pháp nhân này được Luyện kiểm soát chặt chẽ bằng việc chia tỷ lệ vốn góp chính cho Công ty Alibaba hoặc các em ruột của Luyện là Lĩnh, Lực và vợ là Võ Thị Thanh Mai, các giám đốc đứng tên và đại diện pháp luật chỉ nắm giữ phần vốn góp không quá 15% trong tổng vốn điều lệ.

Đồng thời, để đảm bảo điều kiện về vốn khi đăng ký hoạt động kinh doanh bất động sản, Luyện chỉ đạo bộ phận pháp lý thực hiện kê khai vốn điều lệ cho các pháp nhân tối thiểu là 20 tỷ đồng từ nguồn tiền của Công ty Alibaba, thực tế, các thành viên đều không có nguồn vốn góp như tỷ lệ đăng ký.

Bên cạnh đó, Luyện bắt nhân viên dùng một địa chỉ để đăng ký thông tin trụ sở kinh doanh cho nhiều pháp nhân và chi nhánh. Các pháp nhân do Luyện chỉ đạo thành lập đều không hoạt động kinh doanh và kê khai báo cáo thuế, chỉ sử dụng vào hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò chủ đầu tư đối với các dự án không có thật.

Quá trình điều tra Luyện khai toàn bộ nguồn thu của Công ty Alibaba đều từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, từ các dự án không có thật, tự vẽ và phân lô trái pháp luật trên nền đất nông nghiệp.

Trợ thủ đắc lực cho việc lừa đảo của Công ty Alibaba có Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) khai được chồng phân công quản lý bộ phận kế toán; giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Trong khi đó, Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh khai nhận rõ vai trò đồng phạm tích cực, giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai trong hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Mặc dù đứng tên giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, nhưng các bị can đều không được trực tiếp quản lý con dấu. Mọi con dấu, kể cả con dấu tên (nếu có), đều do Võ Thị Thanh Mai trực tiếp quản lý và chỉ giao cho Trang Chí Linh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách pháp lý của Công ty Alibaba sử dụng để đóng dấu lên hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ký kết với khách hàng.

Đồng thời, các bị can không biết pháp nhân do mình đứng tên kê khai, báo cáo và nộp thuế như thế nào; có bao nhiêu nhân viên. Các bị can được chia lợi tiền chiếm đoạt của khách hàng thông qua tiền lương, thưởng, hoa hồng và các lợi ích khác (chế độ sử dụng xe ô tô của công ty, cước phí điện thoại...). Toàn bộ giấy tờ ký kết, đều do bộ phận pháp lý soạn thảo và các bị can ký theo chỉ đạo của Luyện, con dấu của các pháp nhân do Võ Thị Thanh Mai, Trang Chí Linh quản lý, đóng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ