Vụ Alibaba nhiều người không hy vọng lấy lại được tiền

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Sáng 8/12, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền".

Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm tại tòa.
Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm tại tòa.

Vụ án dự kiến được Tòa án Nhân dân TPHCM xét xử trong vòng 1 tháng với hơn 4.300 bị hại và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Cáo trạng của VKSND TPHCM thể hiện Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty Alibaba) đã chỉ đạo thuộc cấp chiếm đoạt trên 2.200 tỉ đồng của khoảng 4.300 khách hàng từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Cụ thể, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty và chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên để nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận…

Sau đó, Luyện thành lập, để vẽ các dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định; dùng truyền thông để quảng cáo bán dự án. Để thu hút khách hàng, Luyện cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Tổng cộng, trong vụ Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền, Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 công ty, vẽ ra 58 dự án không có thật; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, lừa bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.260 tỉ đồng.

Ngoài Nguyễn Thái Luyện bị truy tố, thì 3 người thân của luyện là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện), Nguyễn Thái Lực (31 tuổi, em ruột của Luyện và Lĩnh) và Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) cũng bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đặc biệt, 2 bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực còn bị đưa ra xét xử thêm về tội “Rửa tiền”. Huỳnh Thị Kim Thắng, kế toán Công ty địa ốc Alibaba cũng bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”.

Nhiều bị hại của công ty Alibaba và người thân phải dự tòa ở ngoài sân vì quá đông

Nhiều bị hại của công ty Alibaba và người thân phải dự tòa ở ngoài sân vì quá đông

Có mặt tại phiên xét xử từ rất sớm, anh Hà Minh Hoàng, ngụ TP Thủ Đức cho biết: Anh đã bị Alibaba lừa mua tổng cộng 4 nền đất tại 2 dự án của công ty này. Số tiền để anh mua đất ngoài việc tích góp mà có thì phần lớn đến từ khoản vay ngân hàng. Vì vậy, khi chủ mưu Nguyễn Thái Luyện bị bắt anh đã rất chật vật để xoay sở tìm kiếm số tiền đóng lãi hàng tháng cho ngân hàng.

Lý do để anh Hoàng đầu tư theo tiến độ là do anh tin tưởng vào một người thân trong gia đình mình. Đồng thời cam kết chính sách mua lại đất của công ty sau 12-24 tháng cũng đã tạo động lực cho anh. Giờ thì bản thân anh nhận định việc sớm lấy lại tiền từ những suất đầu tư vào dự án ma của anh là rất mong manh.

Có chung tâm trạng như anh Hoàng trước ngày tòa xử, chị Phan Thị Liễu, nhà tại quận 3, TPHCM, người đã bị Alibaba lừa đầu tư tới 9 lô đất cho rằng khả năng lấy lại được tiền của chị là rất mong manh. Bởi hiện nay số đất và tài sản Alibaba bị thu giữ không có nhiều giá trị, hàng chục thửa đất Alibaba đang có chỉ là đất nông nghiệp, giá trị không cao nên bản thân chị không quá hy vọng vào việc sớm lấy lại tài sản.

"Tôi đến tòa dự với vai trò người bị hại và có liên quan vụ án, chứ thật lòng hy vọng lấy lại tiền là rất mong manh. Tuy vậy, tôi vẫn rất mong sau này vẫn được xem xét hoàn trả số vốn của mình sau khi cơ quan có trách nhiệm phát mãi tài sản, thu hồi vốn cho người dân" - chị Liễu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.