Hòa mình với những thân phận bất hạnh
Sáng tác vọng cổ, Viễn Châu tập trung nhiều vào các thân phận bất hạnh, nổi nênh. Điều thiêng liêng nhất (và đôi khi cũng chính là điều bi kịch nhất) của người nghệ sĩ là sống trọn vẹn và hóa thân vào nhân vật của mình.
Nghĩa là, Viễn Châu sống với nhân vật của mình bằng tấm lòng và mối đồng cảm sâu sắc với từng số phận, từng cảnh đời. Ở đâu, lúc nào, khi những cảnh đời đập vào mắt, rót vào lòng thì khi đó lời ca bỗng cất điệu sầu, cảm hứng tài hoa của người nghệ sĩ lên dây.
Ông đưa người nghe vào một chuyến xe bên cầu Bến Lức nghe em bé hát dạo cất “lời ca tức tưởi giữa cung sầu” bên cạnh một ông lão tật nguyền (Sầu vương ý nhạc). Rồi ta có thể gặp hình ảnh đôi vợ chồng già hát rong mù loà lẻ loi giữa cảnh trời nước mênh mông trong một buổi chiều buồn trong Tiếng độc huyền. Hình ảnh đó cũng gợi nên những tâm tư, những nỗi buồn của “nghiệp cầm ca” nơi chính ông.
Ở Viễn Châu không có chỗ cho sự “tự cao” của một nghệ sĩ nổi tiếng trước những người hát rong “tầm thường”. Với ông, “họ nhạc sĩ ta cũng là nhạc sĩ, đời của ai rày đây mai đó thì đời của ta cũng sương gió lâu rồi”, cùng chung “kiếp tằm nặng mối tơ vương” cùng mang cái đẹp đến cho cuộc đời.
Không chỉ ưu ái riêng cho những người “một kiếp phong trần mấy biển dâu”, Viễn Châu dành trọn tình cảm của mình cho bất cứ con người khốn khó nào mà ông từng gặp trên đường đời. Như từng tâm sự với khán giả về hoàn cảnh ra đời của bài Tình anh bán chiếu, ông sáng tác bài ca đầy cảm xúc khi tình cờ bắt gặp hình ảnh một anh bán chiếu dừng lại nghỉ mệt bên vệ đường giữa buổi trưa hè.
Tình anh bán chiếu là một món quà vô giá dành cho anh bán chiếu vô danh, một món quà cho “Ngã Bảy Phụng Hiệp” và cho tất cả những ai yêu mảnh đất, con người Nam bộ. Một mối tình đơn phương tuyệt vọng xen lẫn với những nỗi nhọc nhằn của nhân vật tạo nên một tác phẩm tuyệt đẹp - một nét đẹp thuần chất, tự nhiên không đến từ vẻ hào nhoáng, không đến từ sự thơ mộng điệu đàng mà từ những chất liệu cuộc sống “Ngọn gió đêm đông đừng thổi nữa, lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi!”.
Viễn Châu cảm nhận được chất lãng mạn và thủy chung (đến “khờ khạo”) của chàng trai Nam bộ khi yêu thương, suy nghĩ mông lung và chờ đợi vô vọng cô gái đặt mua chiếu, đan lát từng sợi chiếu như đang hoàn thành một kỉ vật tình yêu, còn trách hờn người ta đi lấy chồng (dù cô ấy chẳng hứa hẹn gì!): “Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước, có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng. Nay cô đã quên tôi cất bước theo chồng”.
Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu. |
Những câu chuyện tình yêu
Nghệ sĩ đa tài Viễn Châu tất nhiên cũng là một nghệ sĩ đa tình. Có thể thấy, một số lượng lớn trong bộ tác phẩm (tuồng cải lương, bài ca vọng cổ, tân cổ giao duyên) của ông cũng dành cho chủ đề muôn thuở của con người - tình yêu.
Nổi tiếng và đi vào lòng người sâu đậm nhất là bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà. Những câu ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mùng em không tới nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh, hết kể chuyện chung tình, khóc than riêng em một mình” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người mê cải lương, từ những giọng ca nghêu ngao trong các bữa nhậu đậm phong cách miệt vườn đến trên “sân khấu” của các buổi đờn ca tài tử.
Không may mắn được yêu và chết vì người yêu như Bạch Thu Hà, cô gái trong Lá trầu xanh chỉ có một tâm sự của người yêu rồi bị phụ bạc. Chuyện đơn giản và phổ biến tưởng chừng như sẽ nhàm chán. Ấy vậy mà bài Lá trầu xanh có một sức sống và sức hấp dẫn kì lạ.
Trước hết, phải nói đến cái duyên của những câu nói lối mở đầu bài hát: “Thương nhau cau bổ làm đôi miếng/ Một lá trầu xanh thắm nợ duyên/ Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ/ Em còn hoài vọng bóng người thương”. Tiếp đến, có lẽ nhờ hình ảnh “trầu xanh” bàng bạc khắp bài ca - khi là gánh trầu cô gái bán mưu sinh hàng ngày: “Anh hứa với em khi tụi mình nên duyên nên nợ thì một lá trầu xanh cũng nên vợ nên chồng”, khi lại là trầu cau ngày cuới người yêu mà cô dâu không phải là mình: “Hoa thu rụng rơi hoài bên bờ sông lạnh. Em đếm bao lá rụng. Một ngày thu tàn hiu quạnh. Khung trời mưa buồn giăng lạnh, ngỡ ngàng đứng bên cổng rào”.
Nếu chỉ là một câu chuyện tình dang dở của một cô gái nhà quê bị phụ thì chưa chắc bài hát này đã dễ thương dễ cảm đến vậy, mà ở đó còn đau đáu những cách đối nhân xử thế ở đời, về chữ nghĩa đượm nồng: “Nhưng rồi môt hôm mưa buồn xóm chợ, bên thúng trầu xanh em chờ bạn chung tình… Yêu nhau rồi ngại gì lầy lội bước chân”.
Ta có thể tin vào lòng yêu cuộc sống của những con người mà Viễn Châu phản ánh vào tác phẩm của ông. Điệu Mạnh Lệ Quân giữa bài, âm điệu trầm bổng, tràn đầy nỗi da diết, oán thán… như một điểm nhấn đầy cảm xúc và đáng yêu nhất của bài ca cổ.
Một mối tình buồn và đầy tâm sự khác là câu chuyện bên rặng ô môi, của một sư nữ tật nguyền với một đứa con xa quê trong bài Bên rặng ô môi. Tác giả dùng điệu Lý con sáo để mở ra không gian buồn mênh mông: “Bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông…”, những câu vọng cổ độ dài vừa phải, nghe mà thấm, mà cảm được từng cung bậc cảm xúc một: “Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng ta đà ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rã cánh rụng tơi… bời”.
Bầu trời lộng gió của sông Tiền, sông Hậu như đang ở quanh đây, từng cánh ô môi như đang rụng rơi trước mắt…
Trai tài - gái sắc gặp nhau
Không phải ngẫu nhiên, trong một phần sáng tác của mình, Viễn Châu “ôm mối tương tư” nhiều chuyện tình son sắt: Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Phạm Lãi - Tây Thi, Tự Đức - Bằng Phi, Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử - Mai Đình - Mộng Cầm, Thoại Ba - Địch Thanh, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Tiết Đinh San - Phàn Lê Huê…
Nhiều chuyện tình trai tài - gái sắc nổi tiếng trong sử sách đi vào lời hát của Viễn Châu sống động, cảm lụy hơn trong các thể loại khác. Ông chọn tình cảnh đau xót nhất trong chuyện tình Phạm Lãi - Tây Thi để viết Phạm Lãi biệt Tây Thi. Đó là khi Phạm Lãi đưa nàng Tây Thi sang Ngô Bang trên con thuyền lướt sóng giữa đêm khuya: “Bát ngát trời khuya gió lạnh lùng/Con thuyền lướt sóng giữa trùng dương”.
Có nỗi buồn nào buồn hơn, nỗi đau nào xót hơn khi chính mình phải dâng người mình yêu cho kẻ khác, vì vậy cảnh sắc chung quanh cũng thê lương không kém “nước bạc ngược dòng trăng tà lộn bóng… Có kẻ nhìn trăng mà khe khẽ thở dài”. Nhưng thù nhà hận nước canh cánh bên vai, người anh hùng quên chuyện tình với cô gái giũ lụa Trữ La thôn để “nén tim đau đưa nàng lìa đất Việt, lệ anh hùng cố nén vẫn thầm rơi…”.
Chuyện về nàng ca kĩ xứ Phù Tang Phương Tử Trúc Lam không lấy gì nổi tiếng và ít ai biết. Ấy vậy mà đi vào bài hát của Viễn Châu mượt mà như là câu chuyện đã được Việt hóa.
“Phương Tử ơi rượu sa kê nửa bầu vừa uống cạn thì thấp thoáng trước thềm rêu đã rơi rụng đóa… anh đào. Mấy chén ly bôi làm khơi dậy chí anh hào, xin giã từ Trúc Lam Phương Tử ta đi giữa bầu trời giá lạnh điểm đầy sao…”. Thử gạt bỏ những từ ngữ, hình ảnh: anh đào, Phú Sĩ sơn, gái Phù Tang, rượu sa kê, tuyết bay trắng xóa… trong bài hát Trúc Lam Phương Tử thì những từ ngữ, hình ảnh còn lại: thềm rêu, ven đường, bồ liễu, gió đông vi vút, gập ghềnh gió ngựa miền quan tái… đặc sệt phong cảnh Việt.
Không thể không nhắc đến bài hát “truyền miệng” của Viễn Châu, bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà. Nói “truyền miệng” vì khi hát bài này người ta đã dạy thuộc cho nhau chỉ qua dăm ba lần hát. Nhờ bài hát, cuộc tình Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà đã đi vào huyền thoại.
Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà là hai nhân vật trong tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” của nhà văn Tân Dân Tử (xuất bản năm 1954). Bằng tài năng của mình, Viễn Châu đã thổi luồng gió trữ tình - bi tráng vào câu chuyện tưởng chừng như quá quen thuộc ấy.
Người Nam bộ tôn thờ hình ảnh “anh hùng tử khí hùng bất tử” đầy vẻ hiên ngang nhưng nhất định phải nồng nàn tình cảm. Chính vì vậy mà Võ Đông Sơ đã, đang và sẽ còn mãi một sức sống mãnh liệt, một vị trí đẹp trong lòng khán giả mộ điệu. Những câu đẹp nhất bài ca có thể kể đến “Rượu chia li ngày ấy tiễn anh đi, hoa lá bay theo gió ngựa phi”, “Máu đào tuôn đẫm ướt nhung bào, chí anh hùng vùi trong kiếm đao…”.
Nụ cười hóm hỉnh qua vọng cổ hài
Thường khi nói về vọng cổ, người ta nghĩ ngay đến những nội dung buồn bã, sầu thương, có ai ngờ soạn giả Viễn Châu lại táo bạo thay đổi một cách ngoạn mục lối suy nghĩ đó.
Năm 1960, ông viết bài vọng cổ hài đầu tiên mang tên Đêm tân hôn. Đó là nét hóm hỉnh, duyên dáng của một “ông già Nam bộ” mà ta có thể thấy qua nhân vật huyền thoại Bác Ba Phi, hoặc bất cứ ông cụ vui tính nào đó có thể gặp trong đời thực.
Cùng thời, các soạn giả Quy Sắc, Yên Lang, Thu An cũng viết vọng cổ hài, nhưng Viễn Châu có “máu” hài khó pha lẫn. Những giai điệu vui, dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc trong các bài vọng cổ hài, ông “đặt trọn niềm tin” vào giọng ca của “quái kiệt” Văn Hường, dựng danh hài trở thành nhân vật trung tâm trong các câu chuyện hài vọng cổ.
Lúc thì đả kích thói sính Tây trưởng giả trong Vợ tôi nói tiếng Tây, lúc thì cười cô vợ ưa ca hát trong Vợ tôi mê tân nhạc, lúc là niềm tự hào đáng yêu của ông chồng dành cho bà vợ trong Vợ tôi đẹp ác, lúc thì châm biếm thói phóng nhanh vượt ẩu trong Tai nạn Hon-đa, Văn Hường đi xe gắn máy (mang tính thời sự đến tận hôm nay).