Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 (SV Startup 2020) do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Từ thực tiễn của các quốc gia khởi nghiệp trên thế giới cũng như các báo cáo của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hoạt động khởi nghiệp đều đề cao vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia - trường đại học đóng vai trò quan trọng trong các giai đoạn chính của khởi nghiệp, trong đó nhiệm vụ cụ thể của các trường đại học là cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.
Trường đại học là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cần thiết để thế hệ trẻ có thể đối mặt với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất. Đó cũng là cách để sinh viên có thể tạo lập sự nghiệp của mình, dù đi làm thuê hay khởi tạo doanh nghiệp riêng.
Ngoài ra, trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo các sinh viên sau khi tốt nghiệp có tinh thần doanh nhân và kiến thức, kĩ năng, thái độ sẽ là nguồn tài nguyên lớn giúp các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng một cách bền vững.
Như vậy, trường đại học vừa là nơi trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng, sự trải nghiệp cũng như truyền cảm hứng để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Nhận thức tầm quan trọng của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 1665).
Với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị các kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án 1665 trong các cơ sở đào tạo thời gian vừa qua còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân là hiện nay các trường còn tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu mà chưa quan tâm đến mảng thương mại hóa, vốn hóa các sản phẩm dựa trên nền tảng tri thức của nhà trường bao gồm các sản phẩm nghiên cứu khoa học và đặc biệt là việc vốn hóa con người.
Việc phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo còn khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nguồn (Spin off) hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup).
Các dự án khởi nghiệp của sinh viên và các giảng viên trẻ có hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp. Các nhà trường chưa hỗ trợ các dự án tiếp tục phát triển và đi đến việc thành lập doanh nghiệp.
Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm tìm giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên trẻ trong các trường đại học để có thể sớm thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo, từng bước vốn hóa nguồn tri thức và tạo ra các nguồn thu khác cho các trường đại học, đồng thời cung cấp cho xã hội những sản phẩm có giá trị góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của đất nước.