Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Hiệu trưởng trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định): Nhắm trúng vào đổi mới quản lý, đổi mới hoạt động dạy học
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy và dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Từ góc độ quản lý ở trường THPT, chúng tôi nhận thấy dự thảo quy chế đã chú trọng tới việc phát huy tính tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, với dự thảo này, các nhà trường sẽ không còn “cay cú ăn thua” trong việc “chạy đua” để lọt vào tốp 100, 200 hay 1.000 nữa mà sẽ điều chỉnh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất thực sự của người học.
Mặt khác, quy chế mới được dự thảo nếu được áp dụng cũng định hướng rõ ràng hơn cho các nhà trường, đó là: Giáo dục, định hướng cho học sinh không chỉ đến năm lớp 12 mới chú trọng mà phải tiến hành định hướng giáo dục nghề nghiệp ở cả cấp học.
Học sinh cần phải nhận thức rằng con đường tiến thân, lập nghiệp không nhất thiết phải học đại học. Con đường tiến thân tốt nhất phải là người có thể biết nhiều nghề, nhưng phải giỏi một nghề, đó là nghề mang tính chuyên nghiệp nhất.
Trong hoạt động và quản lý dạy học, chúng tôi cũng định hướng cho cả thầy và trò, không nên tạo và tự tạo áp lực quá mức cần thiết cho mình.
Chúng tôi định hướng cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn tối thiểu để xét tốt nghiệp và môn thi đăng ký thêm để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Dựa vào đăng ký của học sinh, nhà trường tổ chức học tăng cường buổi 2 cho các em. Những môn học sinh không đăng ký dự thi, giáo viên hướng dẫn để học sinh nhận biết, thông hiểu và vận dụng, nắm bắt kiến thức và kỹ năng ngay ở trên lớp, tạo điều kiện về thời gian, tâm lý để học sinh tập trung, ưu tiên nhiều hơn cho những môn học mình có thiên hướng.
Áp lực về thi cử và thành tích bớt đi, nhà trường cũng sẽ chú trọng hơn tới giáo dục kỹ năng thực hành, vận dụng, kỹ năng mềm. Người học sẽ cảm thấy bớt đi sự nhàm chán và áp lực học chỉ để đi thi, trúng tuyển đại học đang tồn tại từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là, với cách thi mới, trong một phòng thi, mỗi thí sinh sẽ có thể đăng ký tuyển sinh vào một trường ĐH, CĐ khác nhau, tính chất cạnh tranh sẽ không còn quyết liệt nữa. Do đó, sự cân nhắc để công tác coi thi thực sự nghiêm túc cần được lưu ý hơn.
Về thời gian tổ chức: Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được chuyển sang đầu tháng 7/2015 là cần thiết để các trường có thời gian tổ chức tốt hơn quá trình ôn tập kiến thức cho học sinh; gia đình và học sinh có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn; phù hợp với thời điểm thi tuyển sinh truyền thống hàng năm.
Về tổ chức thi: Theo dự thảo quy chế, việc tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh) sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng hơn, nhưng cần tính toán khoảng cách di chuyển không quá khó khăn cho học sinh và gia đình, đảm bảo an toàn giao thông, địa bàn thi cần đảm bảo các dịch vụ phục vụ trong thời gian thi.
Về môn thi: Học sinh tốt nghiệp các năm trước phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định là đảm bảo tính công bằng và phù hợp với các yêu cầu mới. Tuy nhiên, cần sắp xếp lịch thi các môn bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) thi trước để học sinh dễ sắp xếp thời gian.
Việc miễn thi môn Ngoại ngữ đối với xét tốt nghiệp như dự kiến là phù hợp nhưng cần nêu cụ thể tên các chứng chỉ sẽ được miễn thi.
Dự kiến mở rộng thang điểm bài thi thành thang điểm 20 là hợp lý. Tuy nhiên, đề thi cần có định hướng tỉ lệ điểm (theo thang điểm 20) cho xét tốt nghiệp, tỉ lệ điểm cho xét tuyển cao đẳng, đại học; nên sớm công bố các dạng đề mẫu.
Với công tác chỉ đạo: Giao cho các trường đại học chủ trì công tác coi thi, chấm thi là đảm bảo tính khách quan cao, nhưng cần trưng dụng số lượng đông giáo viên các trường THPT trực tiếp giảng dạy tham gia chấm thi để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho thí sinh.
Về sử dụng kết quả kỳ thi để công nhận tốt nghiệp THPT: Việc kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh không có bài thi nào từ 2,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp THPT là phù hợp và có tính kế thừa những năm trước.
Đồng thời, đánh giá được cả quá trình học tập của học sinh, tránh được những rủi ro; học sinh thi cùng trình độ đề được cấp chung một loại bằng.