Vợ ơi, đừng sợ tiêm ngừa Covid-19!

GD&TĐ - Vợ tôi là nhà giáo. Hôm qua đi dạy về, cô ấy hớt hải báo tin: Trường em vừa nhận được công văn đề nghị các giáo viên trong trường muốn chích vắc-xin Covid-19 thì đăng kí để lên danh sách!

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Vậy tốt chứ sao, ngành Giáo dục thuộc nhóm nguy cơ cao mới được ưu tiên chích trước, chứ vắc-xin nhập về còn ít, đâu phải ai muốn chích cũng được? Tốt gì mà tốt, bọn em đang “run” đây. Anh không nghe vụ cô y tá ở An Giang mới bị đột tử sau khi chích vắc-xin sao?

Còn nữa, nghe nói ở nước ngoài “ông” vắc-xin này còn gây phản ứng đông máu, chết người. Các đồng nghiệp em đang hoang mang lắm. Vài ba chị tuyên bố “thà chết không chịu chích”. Vậy giờ em tính sao? Có đăng kí chích hay không? Em sợ lắm. Em không…

Tôi nghe, tạm im lặng bởi hoàn toàn thông cảm với nỗi niềm của vợ cũng như các đồng nghiệp của cô ấy.

Thực tình, thông tin các về sự cố sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca xảy ra trong và ngoài nước khiến đàn ông như tôi đây… cũng sợ nói gì đến vợ! Vậy nhưng, tìm hiểu kĩ từ các cơ quan truyền thông đáng tin cậy trong nước và quốc tế mới biết, các biến cố chết người kia (tuy là chuyện có thật) nhưng vô cùng hãn hữu.

Chúng chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong cộng đồng những người đã được tiêm chủng, được hưởng lợi ích to lớn khi tiếp cận với cái cơ may an toàn trước đại dịch do vắc-xin mang lại!

Đất nước đang phải hứng thêm một đợt dịch mới bùng phát. Lần này xem ra còn nghiêm trọng hơn bởi tầm lây lan rộng (gần như khắp nước). Đặc biệt, xuất hiện thêm những biến chủng SARS-CoV-2 của Anh và Ấn Độ.

Các biến chủng nguy hiểm hơn nhiều bởi tốc độ lây lan nhanh, triệu chứng bệnh trầm trọng hơn - chưa kể biến chủng B.1.617.2 (của Ấn Độ) còn có dấu hiệu làm suy giảm tác dụng của vắc-xin.

Chính phủ, các cơ quan ban ngành hữu quan lại thêm một lần nữa phải căng mình ra trên các tuyến đầu chống dịch. Lần này ngoài kinh nghiệm, thuốc men, các khí cụ truyền thống và sự tận lực tận tâm, chúng ta còn có thêm một vũ khí mới hỗ trợ cho cuộc chiến chống “giặc Covid” vô cùng đắc lực: Vắc-xin!

Do điều kiện hạn chế nên lượng vắc-xin nhập về còn ít, chỉ ưu tiên tiêm chủng cho những bộ phận cộng đồng có nguy cơ cao biến thành tác nhân lây nhiễm. Chuyện “sự cố” xấu sau khi tiêm đương nhiên có thể; nhưng xác suất vô cùng thấp.

Vả lại, đó cũng không phải là vấn đề mới đối với y học kể từ khi con người biết sử dụng thuốc men và các loại vắc-xin. Sự cố tiêu cực xảy ra trong quá trình sử dụng dược liệu, dược phẩm để bảo vệ sức khỏe là chuyện con người phải dài hơi đối mặt và chấp nhận - miễn sao cái lợi lớn gấp nhiều lần cái hại là đã đủ xem như một biện pháp y học khả thi.

Đó mới tính tới lợi ích đối với cá nhân trong điều kiện bình thường - chứ chưa nói tới thực trạng xã hội trong bối cảnh đại dịch khẩn cấp hiện nay: Cứ mỗi cá thể thuộc nhóm nguy cơ cao dương tính với SARS-CoV-2 sẽ lập tức biến thành “quả bom nổ chậm” đe dọa hủy diệt cộng đồng. Vậy nên cần phải hiểu: Ta chích ngừa Covid-19 không phải chỉ bảo vệ riêng ta mà còn chung tay bảo vệ cả cộng đồng thoát khỏi nguy cơ đại dịch!

…Tất cả những cái biết hơi dài dòng đó tôi phải đợi đêm về, lúc vợ đã bình tâm mới nhẹ nhàng đem ra thuyết phục. May, cuối cùng nàng cũng nghe ra, chấp nhận mai đi đăng kí chích ngừa còn hứa: Em cũng sẽ giải thích, động viên mấy chị đồng nghiệp cùng đăng kí với em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine cắt tên lửa hành trình không đối đất X-22 thành nhiều mảnh tại căn cứ quân sự ở làng Ozerne ngày 6/11/2002.

'Hành động tuyệt vọng'

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự Sergey Poletaev, việc Kiev tuyên bố sẽ chế tạo bom hạt nhân nếu Mỹ cắt viện trợ là hành động tống tiền tuyệt vọng.