Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam từ cuối tháng 4 đến nay đang diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang cùng các địa phương, đặc biệt là hai địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, huy động tổng lực ngành Y tế, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương để trong thời gian ngắn nhất kiểm soát được.
Kiểm soát được tình hình dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh có nghĩa là cơ bản sẽ khống chế, kiểm soát được dịch ở Việt Nam.
Gửi lời trân trọng cảm ơn tới sự đóng góp quý báu của các doanh nghiệp, tổ chức trong thời gian qua cho ngành Y tế và công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định một trong những bài học thành công của Việt Nam trong 3 đợt dịch vừa qua là huy động và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự nỗ lực, tham gia của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19.
Bộ trưởng tin rằng dù khó khăn, gian khổ nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, Việt Nam sẽ sớm chiến thắng trong đợt dịch thứ 4.
Bộ Y tế đã thành lập hai Bộ phận thường trực đặc biệt tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, với những chuyên gia có bề dày kinh nghiệm, đã kinh qua tất cả các đợt dịch trước ở Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Dương… và huy động nguồn nhân lực y tế lớn nhất chưa từng có về hai tỉnh này.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, vắc xin phòng COVID-19 được xem là giải pháp hiệu quả, là trọng tâm ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch. Mục tiêu của chúng ta là tiếp cận sớm, tăng độ bao phủ vắc xin, đạt được miễn dịch cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, phát triển kinh tế xã hội.
Ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã rất nỗ lực, là 1 trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Việt Nam cũng là 1 trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vắc xin. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều vắc xin.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí và tiếp tục đàm phán mua thêm 20 triệu liều vắc xin Pfizer.
Đến nay, số liều vắc xin đã có thông qua đàm phán là 110 triệu liều, dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân Việt Nam.
Song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Chúng ta cũng có kế hoạch mua bản quyền vắc xin, tiếp cận chuyển giao vắc xin, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để làm sao có vắc xin sớm nhất và tự chủ vắc xin sử dụng trong nước.
Đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã có quyết định thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vắc xin, đảm bảo an ninh vắc xin của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh các tập đoàn, cá nhân, người dân đã ửng hộ, tham gia vào chương trình này.
Ngày 27/5, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động kêu gọi tất cả người dân, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam. Quỹ sẽ do Bộ Tài chính quản lý, Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn, mua và sử dụng vắc xin.
Tại buổi lễ, 8 đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 185 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tài trợ 50 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thiết bị Điện Việt Nam tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn BIM Group tài trợ 30 tỷ đồng; Công ty Cổ phần VNG tài trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng Hàng hải tài trợ 20 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn KOSY tài trợ 3 tỷ; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tài trợ 2 tỷ đồng.