Huy động nguồn lực để tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng

GD&TĐ - Chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách là chủ yếu, thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua đủ lượng vắc xin.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 (Quỹ). Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc tìm kiếm, huy động, quản lý các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực chính từ ngân sách nhà nước để nhanh chóng có được vắc xin phòng Covid-19 phục vụ người dân Việt Nam.

Huy động nguồn lực của nhà nước và nhân dân

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tối 19/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký trình Chính phủ về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Ngày 26/5 Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 53/NQ-CP về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.

Theo đó, Điều 1 Nghị quyết nêu rõ: Thông qua chủ trương thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 với các nội dung như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 88/TTr-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2021.

Ngay trong ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

Quỹ được thành lập với mục tiêu: tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để hỗ trợ cùng với nguồn lực NSNN mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.

Trao đổi thêm về mục tiêu thành lập quỹ, ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết: “Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến nhu cầu cả nước cần mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng.

Đây là yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách là chủ yếu, thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân”.

Sớm ban hành Quy chế hoạt động Quỹ

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Quỹ, ngày 27/5/2021, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã họp với các đơn vị liên quan trong Bộ Tài chính để triển khai Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định 779/QĐ-TTg, theo hướng:

Giao Vụ NSNN xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ; Giao Kho bạc nhà nước là cơ quan đầu mối quản lý nguồn lực. Hiện nay, các đơn vị trên đang khẩn trương triển khai các nội dung để báo cáo Lãnh đạo Bộ, trước khi xin ý kiến tham gia của Bộ y tế và Mặt trận tổ quốc Việt Nam. “Dự kiến trong tuần sau, chúng tôi sẽ hoàn thiện Quy chế này để ban hành”, Vụ trưởng Võ Thành Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, theo quy định, quỹ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại và Bộ Tài chính sẽ thiết lập bộ máy quản lý. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Thủ tướng chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vắc xin.

Bộ Tài chính sẽ sớm thông báo tài khoản của Quỹ để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn đóng góp, hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, ông Hưng cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 1, Điểm 2-Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, quy định: Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định.

Đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng quỹ

Tuy quỹ được hình thành dựa trên sự đóng góp hoàn toàn tự nguyện của tổ chức, cá nhân, nhưng dự kiến số tiền đóng góp có thể lên tới con số hàng ngàn tỷ đồng. Để đảm bảo quỹ được sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm cần có cơ chế kiểm soát quỹ như thế nào?

Theo ông Hưng, Thủ tướng Chính phủ trong quyết định thành lập quỹ đã giao cho Bộ Tài chính quản lý số tiền này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ có chức năng quản lý tài chính số tiền, trong khi quyết định sử dụng căn cứ vào yêu cầu mua vắc xin của Bộ Y tế, từ đó  Bộ Tài chính sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chi từ nguồn Quỹ. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ để mua vắc xin.

Về cơ chế kiểm soát quỹ để đảm bảo công khai minh bạch, số thu sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai minh bạch trên các website của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. “Mục tiêu sử dụng chủ yếu để mua vắc xin hoặc hỗ trợ sản xuất vắc xin trong nước. Căn cứ vào yêu cầu thực tế và căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì Bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ quỹ, như vậy hoàn toàn công khai, minh bạch”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ