Vỡ mộng khi cho con du học tự túc

GD&TĐ - Không ít du học sinh Việt khi du học tự túc đã phải thốt lên rằng họ vỡ mộng rất nhiều. Và nguyên nhân chủ yếu là do các bậc phụ huynh và các bạn không được chuẩn bị kỹ tư tưởng, hành trang, nguồn tài chính, cũng như kiến thức và kỹ năng sống nơi xứ lạ mà chỉ nghe theo mong muốn và “những lời tư vấn ngọt ngào”.

Vỡ mộng khi cho con du học tự túc

Con mơ nơi xa lắm

Mỗi lần có người thân, quen quan tâm hỏi han Thiên Trang về chuyện thi cử tốt nghiệp THPT và chọn ngành học ở trường đại học nào là chị Nguyễn Thị Mai (Thị trấn Vĩnh Phúc) cứ giật mình thon thót. Vợ chồng chị như bị bỏ bom khi con gái nói chắc chắn như đinh đóng cột: Cháu sẽ đi du học ở Hàn Quốc… Câu trả lời của con suốt 6 - 7 tháng nay khiến vợ chồng chị nhiều phen mất ăn mất ngủ.

Điều kiện gia đình chị chẳng khá giả gì, cuộc sống bình thường, buôn bán lặt vặt cũng chỉ đủ chi dùng cho một gia đình 4 người kèm thêm một mẹ già hơn 70 tuổi. Khoản tích lũy phòng ốm đau bệnh nạn trong ngân hàng cũng chỉ là cuốn sổ tiêt kiệm vài chục triệu.

Ấy vậy mà con gái cứ khăng khăng thực hiện mong muốn về giấc mơ du học. Đã không ít lần không khí gia đình căng như sợi dây đàn vì bố mẹ khuyên can con gái hãy từ bỏ giấc mơ xa xỉ viển vông không được thì gắt mắng. Con gái khóc lóc hờn giận vì bố mẹ không hiểu mình. Lý lẽ của nó là không thiếu con nhà nghèo vẫn tìm được cơ hội và đã đi du học thành công.

Dương Thùy Châu, du học ở Úc chia sẻ: Em khi mới tốt nghiệp cấp 3 cũng nằng nặc đòi đi du học nhưng gia đình không đồng ý. Chỉ đến khi em học xong đại học thì bố mẹ mới cho đi. Đi đúng lúc kinh tế suy thoái nên bố mình em đã phải vô cùng chật vật, vất vả mới xoay đủ tiền trả tiền học cho con gái. Em lúc ở nhà cứ đinh ninh du học là sướng lắm là được tự do đi đến mấy giờ về nhà cũng được, chẳng ai quản thúc, nhắc nhở đủ điều như ở nhà.

Sáng xứ người mới biết, để chia sẻ gánh nặng học phí với bố mẹ, em đã đi làm thêm đến mức… muốn rụng rời chân tay chỉ để có đủ tiền trả tiền nhà sinh hoạt, trả cho những thứ mình muốn mua. Làm gì có thời gian đi chơi đây đó. Suốt ngày đêm chỉ chăm chăm lo kiếm chỗ làm thêm. Du học ở Úc, cái gì cũng đắt đỏ, đi Coles hay woolworth mà thấy sale là mừng muốn chết…

Bước lên từ mặt đất

Ban đầu, chị Mai cứ nghĩ con bị ảnh hưởng quá nặng từ âm nhạc, phim ảnh thời trang Hàn Quốc nên cũng bình tĩnh khuyên giải dần dần. Nhưng thấy con gái quyết liệt chuẩn bị hành trang quyết tâm thực hiện mong ước của mình và trình bày một kế hoạch chi tiết về việc đi du học thì anh chị lại nao núng tinh thần.

Không tìm được trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc ở Vĩnh Phúc, Thiên Trang tự tìm kiếm những khóa học online trên mạng, tự làm các bài thi trắc nghiệm. Để chuẩn bị kỹ năng sống cho mình thật tốt, cô nữ sinh này còn tích cực tham gia các hoạt động ở trường, tham gia CLB Trái tim Việt, khởi xướng nhóm nhảy hiện đại ở trường… để khẳng định mình đã đủ chín chắn và đang trưởng thành để chinh phục niềm tin tưởng của bố mẹ

“Con đã chọn học ngành Ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc. Con muốn được du học Hàn Quốc”, càng gần đến ngày thi tốt nghiệp, ý chí và ước nguyện của Thiên Trang càng rõ ràng. Tác phong, nền nếp sinh hoạt của con gái cũng thay đổi tích cực, con tập trung tự giác lo việc học, quan tâm, chăm chỉ việc nhà…

Vợ chồng chị Mai đã nhiều đêm thức khuya để bàn bạc tìm nguồn tài chính nào để hỗ trợ năm học đầu tiên cho con gái ở nước ngoài. Thiên Trang quả quyết việc đi du học theo hình thức vừa học vừa làm, bố mẹ cố gắng lo cho khoản tiền ban đầu mới sang thôi, chứ còn các khoản sau đó con sẽ nỗ lực tự đi làm để trang trải. Gia đình chỉ lo cho mình tiền học phí năm đầu còn học phí với chi phí sinh hoạt thì phải tự tìm việc làm trang trải.

Trần Thị Ngọc Ánh - du học sinh Việt Nam đã có 3 năm học ở trường ĐH Kyonggi (Hàn Quốc) khoa Ngôn ngữ và văn học Anh Mỹ và khoa Thương mại. Ngọc Ánh là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc với kênh youtube "Sunny"s Color" có hơn 54.000 lượt followerss.

Cô chia sẻ: Hàn Quốc đang có sức hút thật mãnh liệt với hàng triệu người Việt, nhất là những cô gái trẻ. Hàn Quốc hấp dẫn tuyệt vời. Hình ảnh phong cảnh tươi đẹp long lanh, với dàn trai xinh gái đẹp không tì vết, đường phố náo nhiệt đông vui, chỗ nào cũng lung linh xinh xắn, sạch sẽ từng milimet. Thế nhưng khi du học, trải nghiệm cuộc sống thực tế ở đó, nhiều bạn trẻ nhận ra mình đã lầm.

Giúp con thực hiện ước mơ

TS tâm lý học Huỳnh Anh Bình, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, thầy giáo 3H, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM cho rằng: Nếu chỉ lo duy nhất vấn đề tiền cho cuộc du học thì suy nghĩ đó của phụ huynh và các bạn trẻ rất ngây thơ và ấu trĩ. Nhiều bạn trẻ con nhà khá giả ra nước ngoài học không có động cơ phấn đấu nên học hành không nghiêm túc. Những em phát triển tốt nhất là những em xuất thân từ gia đình bình thường nhưng hiểu rõ vấn đề. Phụ huynh hãy tỉnh táo vì mình là người theo sát và trả tiền cho hành trình này, bởi vì qua quảng cáo và mạng xã hội thì du học luôn đầy màu sắc và cơ hội.

Nếu định cho con đi xa, hãy tập cho con, đặt con vào những môi trường trải nghiệm khác nhau. Khi con quen sống thụ động, không được chuẩn bị chu đáo ra nước ngoài con sẽ có một khoảng thời gian để tập thích ứng, mà thời gian cũng là tiền bạc. Và lần tập dượt để hòa nhập bắt nhịp được này tốn kém đến cả vài trăm triệu đồng (cho 1 - 2 năm đầu thích nghi).

Xác định mục tiêu, chuẩn bị tâm lý xa nhà để rèn sớm tính tự lập. Chuẩn bị sức khỏe, tham gia tập thể thao để học được ý thức trách nhiệm với bản thân. Khi mình muốn gì thì mình phải tự cố gắng mà đạt được. Xác định rõ ràng động cơ đi du học cho con để không vỡ mộng và quá áp lực trước cuộc sống đơn thân nơi xa xôi.

Không ít gia đình do không nắm bắt được thông tin đầy đủ, cứ nghĩ chỉ lo cho con một năm đầu, con em sang Hàn Quốc học sẽ đi làm thêm kiếm được tiền trang trải. Cho nên, sau một năm học đã giục con gửi tiền về để trả nợ. Rất nhiều du học sinh du học Hàn Quốc vì gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền hoặc không hiểu rõ luật của nước sở tại bỏ trốn ra ngoài để đi làm và cũng rất nhiều bạn đã phải hối hận về quyết định của mình.

Khi làm ở nhà xưởng, các bạn trẻ rất dễ bị cảnh sát kiểm tra bất ngờ. Nhiều bạn mới ra ngoài được sáu tháng đã bị cảnh sát bắt được và cho về nước. Bỏ ra sống bất hợp pháp làm ở công trường xây dựng thì nguy hiểm và thiệt thòi Khi đã bị bắt thì sẽ mãi mãi không quay lại Hàn Quốc được nữa. Trốn tránh được thì cũng không thể về thăm nhà khi có việc quan trọng.

Bạn có thực sự muốn đi học để học không hay vì lí do khác? Du học là quyết định của bạn, bạn là người có trách nhiệm cho quyết định đó và đừng làm khổ tâm cha mẹ. đi du học tự túc khi gia đình không đủ điều kiện tài chính thì mạo hiểm vô cùng, Ngọc Ánh không phủ nhận những khó khăn và cuộc sống tự lập đó sẽ rèn luyện các bạn trẻ mau trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn và biết quý trọng cuộc sống hơn. Song cô cũng nhấn mạnh: Điều đó chỉ đúng khi các bậc phụ huynh và các bạn trẻ đã có được sự chuẩn bị trước, xác định được những khó khăn nhất định sẽ gặp phải khi đi du học và được trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng để vượt qua khó khăn đó.

Xác định mục tiêu, chuẩn bị tâm lý xa nhà  để rèn sớm tính tự lập. Chuẩn bị sức khỏe, tham gia tập thể thao để học được ý thức trách nhiệm với bản thân. Khi mình muốn gì thì mình phải tự cố gắng mà đạt được. Xác định rõ ràng động cơ đi du học cho con để không vỡ mộng và quá áp lực trước cuộc sống đơn thân nơi xa xôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: