Theo cấu tạo mỗi bài thường có từ 2 đến 3 phần, gồm: đọc, viết, tạo tiếng. Những sai sót trải đều ở cả 3 phần của bài.
Xin nêu ví dụ, phần đọc, bài 7, trang 12 đọc “bé vẻ bê” là sai, đọc đúng phải là “bé vẽ bê”. Hình minh họa của phần đọc này là một em bé đang vẽ bức tranh về con bê con. Tương tự ở bài 10, trang 15 đọc “bé có vở vẻ” kèm theo hình minh họa em bé có quyển vở và cây sáp để vẽ, phải đọc là “bé có vở vẽ” mới đúng. Bài 22, trang 29 có chữ “phá cổ”, phải đọc là “phá cỗ”….
Ở phần tạo tiếng, phía trên đầu trang quy tắc sắp xếp theo thứ tự các thanh dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng nhưng phần tạo tiếng mẫu lại không tương úng hai thanh dấu huyền và sắc.Ví dụ, bài 16, trang 21, nếu tạo tiếng theo đúng mẫu quy tắc sắp xếp trật tự thanh dấu là mớ, mờ nhưng sách lại viết là mờ, mớ…
Cũng cần nói thêm, trong sách còn sử dụng một số từ sai, hoặc tiếng vùng miền, tiếng địa phương như trái thơm (dứa), “mưa lác đác” chứ không phải “mua lác đác”, “trái bòng” (có nơi gọi là bưởi) chứ không phải là “trái bông” (phần đọc bài 60, trang 74).
Sách giáo khoa là bộ chuẩn kiến thức dùng trong nhà trường, đặc biệt các lớp đầu cấp như lớp 1 cần thiết phải thật chuẩn. Việc sai sót, sử dụng từ, âm địa phương sẽ khó cho học sinh khi tiếp cận và tiếp thu bài giảng, cha mẹ cũng khó giải thích khi lý sự của trẻ nhỏ là “sách luôn đúng”.
Một vài ý kiến góp ý về cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1, Tập 1” của tác giả Lê Phương Liên, do Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội xuất bản, mong rằng tác giả, Nhà xuất bản sớm có sự sửa đổi để cuốn sách được hoàn thiện hơn.
|
|
|
|