Vợ chồng Huy đúng là kiểu “xa thương, gần thường”. Khuất mắt nhau thì thôi chứ thấy mặt nhau là kiểu gì cũng sinh chuyện. Nhiều khi lý do chẳng có gì cũng nhào thành tấm, thành món.
Ai đời lấy nhau đã hơn chục năm, có hai mặt con rồi mà thỉnh thoảng Hạnh vẫn “nhai đi nhai lại” chuyện từ hồi đám cưới, chỉ vì phong tục ở quê nhà trai, khi đi lấy vợ, trong lễ xin dâu không có thêm khoản tiền gánh cưới.
Lúc người lớn hai bên bàn bạc, nhà gái lại bảo “tùy” nên nhà trai cứ theo lệ làng mà làm. Ấy vậy mà Hạnh cứ đay nghiến mãi. Nào là “nhà anh không tôn trọng tôi thì cũng đừng mong tôi tôn trọng lại”.
Nào là “bố mẹ nuôi tôi ăn học tử tế chứ có phải dạng thất học hay đui què mẻ sứt đâu mà nhà anh cưới hỏi tôi không đàng hoàng”… Lần nào nghe vợ nói, Huy cũng tức điên lên. Huy đã mấy lần suýt đánh vợ.
Bi kịch này, Huy không cách nào thoát khỏi được. Thuở nhỏ, Huy đã phải chịu cảnh bố mẹ suốt ngày quát mắng nhau. Nhiều khi trong bữa cơm mấy anh em vừa ăn, vừa khóc. Niềm vui ngày ấy của Huy chỉ đơn giản là được sống một ngày bố mẹ không cãi nhau.
Bây giờ các con anh lại phải chịu đựng cảnh tương tự. Huy hiểu chúng nghĩ những gì. Thằng con trai đầu ngày càng trở nên lầm lì và hay cáu bẳn.
Con đến lớp không thích chuyện trò, thỉnh thoảng còn ngang ngược đánh bạn; về nhà thì hay quát em, đánh súc vật, trút giận lên đống đồ chơi…
Cứ mỗi lần Huy định khuyên răn con gắng kiềm chế cảm xúc để hòa đồng với bạn bè là thằng nhỏ lại nhìn anh chằm chằm như muốn hỏi “Dễ vậy sao bố mẹ không làm được?”. Bao nhiêu lời muốn nói như hóa sỏi đá nghẹn cứng cả cổ anh.
Đứa con gái nhỏ thì hay giật mình trong giấc ngủ. Có hôm, nửa đêm con khóc thét, gọi bố mẹ. Đến trường chỉ cần nghe người khác to tiếng là con sợ hãi. Cô giáo từng khuyên anh chị nên theo dõi diễn biến tâm lý của con để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Huy chua xót nhận ra hình ảnh của mình ngày xưa thấp thoáng trong bóng dáng lầm lũi và ánh mắt sợ sệt của các con. Mỗi lần vợ chồng xung đột, Huy lại tự dặn mình thôi thì nín nhịn cho yên, cho các con đỡ khổ, nhưng cố lắm Huy vẫn không tài nào chịu nổi cái thói hay đay nghiến của vợ.
Có lúc ngột ngạt quá Huy đề nghị ly thân với vợ. Thà giải phóng cho nhau để có môi trường sống tốt cho các con, còn hơn níu kéo trong bi kịch. Mà ly thân theo kiểu vẫn ở một nhà thì không ăn thua.
Cuối cùng, Huy nói với con là mình phải đi công tác xa nhà một thời gian, rồi lặng lẽ dọn ra ngoài sống. Anh thuê một căn phòng nhỏ gần trường học của các con để hàng ngày được nhìn thấy chúng. Cứ đến bữa, anh ra quán, món gì chẳng có.
Quần áo vài ngày lại mang ra hiệu giặt là. Buồn thì gọi bạn bè nhậu lai rai, không thì nằm trong phòng xem ti vi rồi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau lại đến cơ quan. Hàng ngày, ông bố ngồi chầu quán cháo lòng đối diện trường cấp I của hai con vừa ăn sáng vừa... canh ba mẹ con.
Có lần thấy con gái bị kẹt cứng trong đám xe cộ tắc nghẽn lúc sáng sớm ở cổng trường, trông con loay hoay đến tội nghiệp, Huy không biết mình đang đứng đó để làm gì. Một cảm giác rất tệ tràn ngập lòng anh.
Ra ở ngoài, mỗi ngày Huy chỉ nhìn thấy vợ hai buổi tất bật đón đưa con, loay hoay với mớ rau thịt chợ chiều treo lủng lẳng trên xe. Có lẽ vợ đã xoay xở rất vất vả với bề bộn công việc trong nhà.
Vợ có thể vì mệt mỏi mà hay cáu gắt nhưng cũng có khi lầm lũi lo mọi chuyện. Chỉ nghĩ đến đó, bao nhiêu bực tức vợ trong lòng chồng chợt nguôi ngoai, dành chỗ cho lòng thương cảm, ray rứt.
Hạnh thỉnh thoảng nhắn tin bảo chồng về nhà, sống bên ngoài chi cho cực. Huy biết, vợ ác mồm vậy thôi chứ không ác tính. Tháng nào vợ cũng mua thuốc thang, quần áo gửi về cho bố mẹ chồng, thậm chí còn nhờ bạn bè xách tay thuốc ngoại từ nước ngoài về biếu.
Giá mà Hạnh biết từ tốn ăn nói, chuyện gì quên được nên quên, có lẽ vợ chồng không đến mức phải khổ sở thế này. Huy cũng thừa hiểu, xa nhau ít ngày thì tưởng mọi chuyện có thể cải thiện được, nhưng giờ chỉ cần nhìn thấy chồng là thể nào Hạnh cũng chứng nào tật ấy.
Bỏ nhau là chuyện chẳng đành, lòng còn thương nhưng vương thì tội. Kiểu gì cũng khổ lũ trẻ. Lòng Huy giờ rối bời. Hạnh không biết có đang tự dằn vặt mình để tìm một lối thoát như anh?