VNEN tại Thanh Hóa: Hết thí điểm, mong nhân rộng

GD&TĐ - Sau 3 năm thực hiện dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN), nhiều trường tiểu học tại Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục.

Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Mường Mìn, huyện miền núi cao Quan Sơn, Thanh Hóa
Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Mường Mìn, huyện miền núi cao Quan Sơn, Thanh Hóa

Với phương pháp dạy học mới, học sinh được phát triển toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng sống.

Lớp học với cô giáo “bên lề”!

Tại Trường Tiểu học Mường Mìn (xã Mường Mìn, huyện miền núi cao Quan Sơn, Thanh Hóa), khi tiếp nhận Dự án Mô hình trường học mới, nhà trường đã gặp không ít khó khăn khi học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của thầy cô nơi đây, lớp học đã được khoác lên những chiếc áo mới với đủ màu sắc tươi vui.

Các em HS đã rất hào hứng với những góc học tập mới như góc khoa học, góc tự nhiên xã hội…, được làm quen với cách tổ chức lớp học mới khác với lớp học truyền thống.

Ban Cán sự lớp trước đây nay được thay thế bằng Hội đồng Tự quản; Hội đồng này do tập thể lớp bầu ra chứ không phải do cô giáo chủ nhiệm chỉ định.

Hội đồng có Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và 6 uỷ viên phụ trách 6 ban (Ban Học tập, Ban Thư viện, Ban Đối ngoại, Ban Tư vấn, Ban Văn nghệ - Thể dục - Thể thao, Ban Sức khỏe - Vệ sinh).

Hội đồng Tự quản đảm nhiệm tổ chức toàn bộ các hoạt động của lớp, khi cần thiết mới nhờ cô giáo trợ giúp. Cứ nói vui là trong lớp, cô giáo đứng “bên lề” trợ giúp, tư vấn, hướng dẫn cho học sinh, chủ thể các hoạt động chính là những thành viên nhí trong lớp học.

Cô Phạm Thị Cảnh - giáo viên Trường Tiểu học Mường Mìn - chia sẻ: Năm đầu thực hiện theo VNEN, cô lo lắm vì nghĩ làm sao mà HS lớp 2 có thể thông qua hoạt động nhóm để xây dựng được nội dung bài học.

Nhưng chỉ mất khoảng một tháng đầu làm quen, sau đó cả cô và trò đều thích thú với cách dạy và học mới này. Phương pháp dạy học theo Mô hình VNEN làm cho giáo viên và HS thoải mái hơn trong giờ học, HS hứng thú học tập hơn.

Ngay trong mỗi tiết học, cô và trò thân thiện, gần gũi nhau hơn; các em HS tự tin nói ra những suy nghĩ của mình.

Đặc biệt, các em biết hỗ trợ, tư vấn cho nhau, góp ý cho nhau cùng tiến bộ, tinh thần trách nhiệm của các em vì tập thể tốt hơn.

Thầy Hoàng Ngọc Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Mìn - cho biết: Trường Tiểu học Mường Mìn là trường thuộc khu vực vùng cao biên giới, có 12 lớp với hơn 160 HS.

Khi được tiếp cận với Mô hình trường học mới, giáo viên nhà trường không khỏi lo lắng vì HS lớp 2, lớp 3 còn quá nhỏ, có phần nhút nhát, liệu các em có tự quản được không.

Vì vậy, các giáo viên chủ nhiệm phải mất một thời gian đầu hướng dẫn các em cách điều hành lớp, điều hành các hoạt động tập thể, cách tổ chức hoạt động của Hội đồng Tự quản, từ đó các em có thể tự làm được và nhiều em làm rất tốt.

Sau một thời gian triển khai thực hiện giảng dạy theo VNEN, chất lượng giáo dục nhà trường được đánh giá khá tốt. Ngoài phát triển kiến thức, hầu hết HS đã thay đổi rõ rệt về giao tiếp, mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập.

Đặc biệt, học sinh người dân tộc thiểu số đã có tiến bộ rõ nét trong các hoạt động. Học sinh DTTS học theo VNEN như “cá gặp nước”!

Hiệu quả mà Mô hình Trường học mới mang lại đã được ghi nhận từ những thay đổi tại các trường học: Chất lượng học tập của HS được nâng cao, tạo cho HS sự tự tin trong giao tiếp.

Đặc biệt, phương pháp dạy học mới thay đổi cách dạy, cách học truyền thống thầy dạy, trò tiếp thu sang trò chủ động tự học có sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết: Huyện Quan Sơn có 14 trường tiểu học, trong đó có 4 trường thực hiện thí điểm dạy và học theo Mô hình VNEN, gồm Trường Tiểu học Trung Hạ, Trung Thượng, Mường Mìn và TH&THCS Thị Trấn.

HS nơi đây chiếm 98% là con em dân tộc miền núi. Thời gian đầu tiếp nhận phương pháp dạy học mới theo VNEN, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm năm học đầu tiên, giáo viên đều thấy đây là mô hình mang lại nhiều ưu điểm với những kết quả rất đáng mừng. HS phát huy được tính tích cực, chủ động trong tìm tòi kiến thức, tự tin hơn trong giao tiếp, nhất là HS vùng miền núi, dân tộc; kỹ năng cốt lõi (nghe, nói, đọc, viết) được hình thành sớm hơn, vững chắc hơn.

Các em phát huy được năng lực của mình, thích đến trường, đến lớp, như “cá gặp nước” vậy! Thông qua tổ chức dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục khác, HS không những tiến bộ nhanh trong việc tiếp thu nội dung của chương trình mà các năng lực khác (như năng lực tự quản; năng lực hợp tác...) cũng sớm được hình thành.

Ngoài ra, quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ HS gắn bó với nhau hơn, nhà trường cùng phối hợp với cha mẹ HS trong dạy học. Với nhiều ưu điểm mà Mô hình Trường học mới đem lại, nhiều trường tiểu học trên địa bàn đã đến các trường VNEN để học tập cách tổ chức lớp, phương pháp dạy học mới này.

Giáo viên, học sinh, phụ huynh mong muốn duy trì VNEN

Trong năm học tới, để duy trì và nhân rộng VNEN, huyện Quan Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của phụ huynh, của HS tham gia học theo Mô hình Trường học mới.

Ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - cho biết: Theo kế hoạch cuối năm 2015 sẽ kết thúc thời gian thí điểm VNEN tại Thanh Hóa.

Theo đánh giá của giáo viên dạy tại các trường VNEN, đây là mô hình có nhiều ưu điểm mang lại hiệu quả cao trong dạy học, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Chính vì vậy, hầu hết các trường đang thực hiện thí điểm theo VNEN đều có mong muốn sẽ duy trì, phát triển dạy học theo phương pháp mới này.

Hiện nay, vẫn chưa có thông báo chính thức về thời gian kết thúc thí điểm Dự án Mô hình Trường học mới. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các nhà trường đã thực hiện theo Mô hình VNEN.

Bởi khi thực hiện dự án, các trường đã được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị dạy học cần thiết và hỗ trợ một phần kinh phí để trang trí lớp học.

Sau 3 năm thực hiện, giáo viên tại các trường học VNEN đã quen và thực hiện tốt phương pháp dạy học mới này. Vì vậy, chắc chắn các trường VNEN tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy tốt phương pháp dạy học mới theo mô hình đã thí điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.