VNEN góp phần đổi mới giáo dục phổ thông

GD&TĐ -  Mô hình VNEN có thể xem là một cuộc cách mạng trong đổi mới GD, vì nó đã thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho HS…

VNEN góp phần đổi mới giáo dục phổ thông

Hướng tới người dạy và người học

Sách giáo khoa VNEN thiết kế theo mô hình 5 hoạt động diễn ra theo đúng logic của quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ hoạt động khởi động đến hoạt động tìm tòi mở rộng đều hướng tới người dạy và người học, giúp giáo viên vận dụng một cách dễ dàng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực. Trong đó, người giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ, làm trọng tài… cho các hoạt động học của HS.

HS vừa không còn là đối tượng thụ động chỉ ngồi lắng nghe, trả lời các câu hỏi của giáo viên và ghi chép một cách máy móc mà vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của quá trình dạy học. Trong quá trình học tập, HS được rèn luyện tính tự chủ, khả năng tự học cá nhân và học tập tương tác; được quyền nêu những thắc mắc, khó khăn và yêu cầu được hỗ trợ. Môi trường học tập trở nên thân thiện, tích cực, hứng thú trong sự tương tác giữa HS - giáo viên.

Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc GD HS cũng trở nên chặt chẽ hơn, tạo điều kiện để HS được tham gia trải nghiệm sáng tạo, kiến thức được gắn với thực tiễn cuộc sống. HS từng bước biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên không bỏ rơi một HS nào, tất cả các HS đều được quan tâm, được giao những bài tập, nhiệm vụ… vừa sức với bản thân.

Đánh giá trong cả quá trình học tập

Công tác kiểm tra đánh giá theo mô hình được thực hiện khoa học, đảm bảo tính chính xác, công bằng, toàn diện và nhân văn. Đánh giá không mang tính chủ quan, một chiều từ phía giáo viên mà có sự kết hợp với việc HS tự đánh giá, giáo viên đánh giá HS và cả phụ huynh cũng tham gia vào quá trình này. HS được theo dõi đánh giá trong cả một quá trình học tập và rèn luyện, gồm đánh giá về năng lực, phẩm chất, học tập. Tuyệt đối không so sánh giữa HS này với HS khác, mà nhìn nhận, đánh giá chính bản thân của HS theo từng thời điểm cụ thể. Việc đánh giá này giúp giáo viên phân loại và giúp đỡ kịp thời HS trong quá trình học tập.

Việc dạy và học đã chuyển biến tích cực. Hầu hết HS biết lựa chọn nội dung để ghi theo cách hiểu của bản thân, biết tự bổ sung và chốt những kiến thức cơ bản, trọng tâm từ quá trình làm việc tương tác; chủ động tìm hiểu tư liệu học tập để chuẩn bị cho bài học tiếp theo, cho hoạt động vận dụng hoặc hoạt động tìm tòi mở rộng được giao về nhà.

HS đã biết chủ động làm việc cá nhân, làm việc tương tác, tỏ ra mạnh dạn, tự tin khi thể hiện quan điểm, nhận định của cá nhân, đặc biệt là lúc chia sẻ kiến thức cùng các bạn trong nhóm, trong lớp. HS yếu kém được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. HS giỏi có cơ hội phát huy năng lực của bản thân trong quá trình học tập tương tác.

Giáo viên chủ động tổ chức dạy học linh hoạt

Trong các lớp học theo VNEN, tâm lý người dạy, người học và người dự giờ, thăm lớp đều thoải mái, gần gũi. Qua sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học, giáo viên luôn có nhiều cơ hội chia sẻ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau…

Giáo viên đã từng bước vận dụng tốt hơn và có hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, thực hiện linh hoạt hơn trong việc tổ chức các hoạt động, có điều chỉnh và bổ sung kịp thời những thiếu sót của HS. Nhiều giáo viên điều khiển, tổ chức các hoạt động học dứt khoát, rõ ràng, khoa học, quan sát bao quát từ hoạt động cá nhân đến việc thảo luận của từng nhóm, chú ý đến đối tượng học sinh yếu kém và hỗ trợ kịp thời. Tất cả các giáo viên từ trình độ chuyên môn còn hạn chế đến tốt đều có thể thực hiện phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhờ sự hỗ trợ của SGK, sách giáo viên.

Điều đặc biệt khi áp dụng mô hình trường học này, các giáo viên được nâng cao ý thức sử dụng đồ dùng dạy học và sáng tạo trong tự làm đồ dùng dạy học như Phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan...; có kĩ năng dự kiến tình huống trả lời, đáp án các câu hỏi, bài tập... để xử lý tình huống trên lớp.

Những trở ngại cần khắc phục

Không thể phủ nhận hiện nay việc thực hiện Mô hình Trường học mới vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai. Còn một số bộ phận lãnh đạo còn lúng túng trong việc chỉ đạo triển khai nên khi mô hình vấp phải sự phản ứng của một bộ phận phụ huynh, một số nơi phải dừng việc triển khai mô hình. Còn nhiều giáo viên ngại đổi mới, ngại khó. Việc không thực hiện đánh giá cho điểm, xếp loại như HS đại trà cũng là một trở ngại lớn trong giáo viên và phụ huynh HS. Việc khen thưởng HS ở cuối năm cũng gặp một số khó khăn vì không có tiêu chuẩn xếp loại danh hiệu cho HS, mà phải đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của HS. Với một số HS có tính nhút nhát, không hòa đồng thì việc tham gia sinh hoạt nhóm sẽ còn hạn chế dẫn đến hiệu quả của quá trình tự học và học tập tương tác chưa thuận lợi.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng những khó khăn mà mô hình đang gặp phải đều xuất phát từ nhận thức và cách thực hiện chưa đúng bản chất, chưa khoa học. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục được để từng bước các địa phương có thể triển khai một cách hiệu quả và đồng bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ