VN-Index giảm gần 60 điểm phiên hôm nay, về 1.216,61 điểm. |
VN-Index đóng cửa phiên hôm nay giảm tới 59,99 điểm (-4,7%) về 1.216,61 điểm. Nếu xét về điểm số, đây là phiên chỉ số chính đánh rơi nhiều điểm nhất trong vòng gần 2 năm, kể từ ngày 12/5/2022 (VN-Index giảm 63 điểm).
Thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE trên 30.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với phiên liền trước. Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt hơn 38,2 nghìn tỷ đồng.
Phiên giao dịch hôm nay, hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón... đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh, hàng loạt mã thậm chí còn giảm sàn với nhiều mã "trắng bên mua".
Tổng cộng toàn thị trường ghi nhận 886 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 157 mã giảm sàn.
Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay hơn 244.000 tỷ đồng (~ 10 tỷ USD) vốn hóa của HoSE.
Theo đó, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn hơn 4,9 triệu tỷ đồng.
Mức giảm gần 5% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới phiên hôm nay.
Phiên giảm mạnh diễn ra sau khi thị trường vừa có giai đoạn tích lũy đi ngang với thanh khoản mất hút.
Dòng vốn ngoại không gia nhập càng khiến thị trường chung mất đi lực đỡ. Ghi nhận trong phiên 15/4, khối ngoại đã bán ròng gần 1.300 tỷ đồng trên HoSE.
Hai bluechips nhóm ngân hàng là BID và VCB là tác nhân lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng gần 9 điểm, trong đó BID giảm sàn 6,9% xuống 49.700 đồng/cp, còn VCB mất 2,7% về mức 92.000 đồng/cp.
Ngoài 2 mã trên, nhóm ngân hàng cũng có nhiều nhân tố "đè" mạnh lên thị trường, chẳng hạn như CTG lấy đi 3,2 điểm của VN-Index với mức giảm tới 6,8% trong phiên hôm nay. Tương tự, TCB giảm 6,3% và khiến Index mất 2,6 điểm.
Ở rổ VN30, VHM và GVR cũng lần lượt lấy đi khoảng 4 điểm của chỉ số chính. Hai ông lớn đầu ngành này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, GVR giảm kịch sàn còn VHM cũng giảm 4,7%.
Ngoài ra, trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này còn có những cái tên như VPB, HPG, MSN, GAS, VIC,…
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu như SHB, QCG, BHN, TMS… giúp thị trường có lực chống đỡ. Tuy nhiên mức độ tăng không đáng kể.
Trong nhóm này, đáng chú ý là mã SHB. Trong khi hàng loạt mã cổ phiếu ngành ngân hàng đỏ sàn thì SHB vẫn đóng cửa trong sắc xanh nhẹ. Đà tăng của cổ phiếu SHB diễn ra trong bối cảnh Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này vừa đăng ký mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu.
Cụ thể, ông Ông Đỗ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc của SHB vừa đăng ký mua 100,2 triệu cổ phiếu SHB. Nếu giao dịch thành công, vị Phó Chủ tịch sẽ tăng sở hữu lên 101,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,79% vốn. Thời gian giao dịch dịch dự kiến từ ngày 19/4 đến 17/5.
Cổ phiếu SHB ghi nhận giảm 8% qua 3 tháng gần nhất, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 26 triệu cp. Chiếu theo giá 11.300 đồng/cp kết phiên 12/4, con trai Bầu Hiển cần chi khoảng 1.132 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, chị gái ông Đỗ Quang Hiển, muốn thoái toàn bộ 25,7 triệu cp, tương ứng với 0,71% vốn. Thời gian giao dịch giống như ông Vinh. Ước tính theo thị giá gần nhất, bà Nguyệt có thể thu về khoảng 290 tỷ đồng.
Sắp tới, SHB dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào 26/4. Cuộc họp lần này, cổ đông sẽ bầu bổ sung 1 thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, Ngân hàng SHB ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 20.523 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 7.470 tỷ đồng, giảm 3,4% so với năm 2022.
Kết phiên, thanh khoản SHB tăng mạnh với 99 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. SHB cũng được khối ngoại giao dịch sôi động, mua vào hơn 9,4 triệu đơn vị trong khi bán ra hơn 6,7 triệu đơn vị, tương đương mua ròng gần 3 triệu cp.
Trên các diễn đàn, nhóm đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư hoang mang, chưa hiểu có thông tin gì đặc biệt khiến chứng khoán lao dốc mạnh vào cuối phiên, cổ phiếu ồ ạt bị bán tháo.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm tới 59,99 điểm (-4,7%), còn 1.216,61 điểm; HNX giảm 11,63% (-4,82%) còn 229,71 điểm trong khi UPCoM cũng mất tới 11,63 điểm, còn 229,71 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của các chỉ số trong nhiều tháng trở lại đây.