Vitamin C giúp điều trị cảm lạnh, vitamin D duy trì xương chắc khoẻ… Chúng ta đều biết rằng vitamin rất quan trọng đối với sức khoẻ nhưng chúng được đặt tên như thế nào và quan trọng hơn, chúng được phát hiện lần đầu tiên là từ khi nào?
Protein là dinh dưỡng duy nhất
Dù con người luôn biết rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và sức khoẻ nhưng phải mất hàng nghìn năm, nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại mới xuất hiện nhờ được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong hoá học, vật lý và sinh học.
Các thí nghiệm dinh dưỡng ban đầu tập trung vào nghiên cứu nitơ, nguyên tố được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1772. Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm để phân tích xem con người và động vật sẽ khoẻ mạnh hay ốm yếu nếu tiêu thụ thực phẩm không có nitơ.
Đến năm 1839, nhà hoá học người Hà Lan Gerardus Mulder là người đầu tiên nhắc đến khái niệm “protein”, còn gọi là chất đạm, có vai trò duy trì và tái tạo cơ thể, cần thiết cho dinh dưỡng của con người.
Nhà sử học Kenneth Carpenter cho biết, trong nhiều thập kỷ, protein được coi là chất dinh dưỡng duy nhất cho sức khoẻ con người, dù ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra vai trò của trái cây, rau, sữa. Với những người đã nạp đủ lượng protein cần thiết mà vẫn mắc bệnh, các nhà khoa học đổ lỗi cho nhiều yếu tố khác như nhiễm trùng, thực phẩm nhiễm độc, thậm chí là do không khí.
Cho đến những năm 1880, các thuỷ thủ đi biển dài ngày mắc phải một căn bệnh lạ, gọi là beriberi. Bệnh này gây suy tim và mất cảm giác ở chân, bàn chân. Tương tự, bác sĩ hải quân Nhật Bản Kanehiro Takaki nhận thấy nhiều người dân nghèo có nguy cơ mắc bệnh beriberi cao hơn những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Bác sĩ Kanehiro nghi ngờ chế độ ăn uống, đặc biệt thiếu protein, đã gây ra tình trạng trên.
Tuy nhiên, bác sĩ quân đội Hà Lan Christian Eijkman lại có suy nghĩ khác. Ông quan sát và nhận thấy những con gà ăn cơm trắng, loại thực phẩm phổ biến trên tàu hải quân Nhật Bản, cũng mắc triệu chứng beriberi.
Nhưng những con gà ăn gạo lứt vẫn khoẻ mạnh. Ông tiếp tục thí nghiệm lên tù nhân và phát hiện những người tù ăn cơm trắng cũng bị bệnh beriberi. Do đó, nguyên nhân dẫn đến bệnh beriberi rất có khả năng không nằm ở protein.
Thế nhưng, phải đến đầu thế kỷ 20, nghiên cứu về dinh dưỡng mới phát triển cao hơn. Nhà hoá học người Ba Lan Casimir Funk đã cho chim bồ câu ăn gạo trắng và chúng mắc bệnh beriberi. Sau đó, ông trộn vỏ trấu và cám cho chúng ăn. Kết quả những con chim dần dần hồi phục.
Phát hiện này xác nhận giả thuyết của bác sĩ Kanehiro là chế độ ăn uống và bệnh beriberi có mối liên hệ với nhau nhưng “thủ phạm” không phải do thiếu protein mà là một chất khác.
Vitamin bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khoẻ con người. |
Ảnh hưởng của vitamin
Năm 1912, nhà hóa học Funk công bố một hợp chất chứa nitơ, gọi là “vitamine”. Từ này kết hợp từ Latin “vita” (sự sống) và “amine” (tên của một hợp chất có chứa nitơ).
Việc phát hiện ra vitamine đã tạo nên làn sóng chấn động trong cộng đồng khoa học, cho thấy rằng con người có thể mắc bệnh nếu thiếu hụt dinh dưỡng và có thể được chữa khỏi nếu bổ sung một lượng vừa đủ vitamin. Nói như ông Funk, con người “nên tránh một chế độ ăn uống đơn điệu”.
Từ kết quả trên, các nhà khoa học gấp rút phân lập các vi chất dinh dưỡng khác có liên quan đến các bệnh như còi xương, bướu cổ... Vào khoảng thời gian Funk tìm ra “vitamine”, nhà khoa học dinh dưỡng người Mỹ Elmer McCullum đã tiến hành nhiều thí nghiệm về thức ăn với các quần thể động vật khác nhau và phát hiện ra một chất hoà tan có trong một số chất béo. Chất hoà tan này rất cần thiết cho sự phát triển của chuột và được đặt tên là vitamin “A” (có nghĩa là phụ kiện – accessory).
Kể từ đó, nhà khoa học McCollum cùng các đồng nghiệp cũng tiến hành các thí nghiệm sâu hơn để tìm ra chất dinh dưỡng có trong cám gạo mà Funk cho bồ câu ăn. Chất dinh dưỡng này được đặt tên là vitamin “B” theo tên bệnh beriberi. Sau này, người ta phát hiện vitamin B là một phức hợp gồm 8 loại vitamin tan trong nước, mỗi loại được đặt tên riêng và được đánh số theo thứ tự khám phá.
Tiếp tục, chữ “e” trong từ “vitamine” bị loại bỏ sau khi các nhà khoa học nhận ra rằng không phải tất cả các hợp chất đều là amin chứa nitơ. Tuy nhiên thói quen đặt tên vitamin theo thứ tự bảng chữ cái vẫn tiếp tục.
Ngày nay, chúng ta có 4 loại vitamin tan trong chất béo (gồm A, D, E và K) và 9 loại vitamin tan trong nước gồm vitamin C và 8 loại vitamin B: B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic axit), B6 (pyridoxine), B7 (biotin), B9 (folate) và B12 (cobalamin). Các loại vitamin trên đều rất cần thiết cho sự tăng trưởng và sức khoẻ của con người.
Tuy nhiên, một chi tiết thú vị là vitamin K không được đặt tên là vitamin F theo thứ tự bảng chữ cái. Vitamin K được phát hiện bởi nhà nghiên cứu người Đan Mạch Carl Peter Henrik Dam vào năm 1929.
Đáng lẽ chất này phải được gọi là vitamin F nhưng nghiên cứu của Dam tiết lộ rằng vitamin này cần thiết cho quá trình đông máu. Trong tiếng Đức, quá trình đông máu gọi là Koagulation. Do đó, ông Dam đã đặt tên cho chất dinh dưỡng này là vitamin K.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ khi nhân loại tìm ra vitamin thiết yếu cuối cùng là vitamin B12 vào năm 1948. Từ đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào lợi ích sức khoẻ của chất này, tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa sự thiếu hụt vitamin và bệnh tật cũng như việc sử dụng chúng để điều trị các bệnh như nấm, thiếu máu... Đến nay, các nhà khoa học chưa khám phá ra một loại vitamin thiết yếu mới.
Ngay cả khi không có vitamin F hay vitamin G trong tương lai, điều này không đồng nghĩa việc khám phá dinh dưỡng đã dừng lại. Trên thực tế, nghiên cứu dinh dưỡng đang phát triển tiên tiến hơn bao giờ hết, cho phép các nhà khoa học đi sâu vào tìm hiểu bí mật của vi chất dinh dưỡng. Dù những chất này vô cùng nhỏ nhưng chúng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của con người.