Chuyên gia hướng dẫn cách dùng vitamin đúng

GD&TĐ - Nếu vitamin A được đưa vào cơ thể với liều lớn trong cùng một lần sẽ gây ra ngộ độc cấp với các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn...

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Chị em hay chạnh lòng với năm tháng trôi qua trong cuộc đời. Họ thường không tin và khó chấp nhận tuổi thanh xuân của mình đã bị thời gian đánh cắp. Một số loại thuốc được sử dụng để nhằm níu kéo thời gian. Nhưng hãy coi chừng…

Bảo vệ da

Nhiều chị em mới bước qua tuổi 30, tự nhiên cảm thấy mình… già đi. Da dẻ không còn trơn láng, mát mẻ như xưa mà trở nên “xù xì”, thô ráp, khô, thậm chí có nơi còn… nhăn nheo.

Có người thì mặc kệ, vì gia đình, vì công việc bận rộn. Nhưng không ít người băn khoăn: Không lẽ tuổi già đến nhanh thế sao? Làm thế nào để cải thiện tình thế?

Tình cảnh này không của riêng ai, mà khá nhiều chị em cùng chung niềm lo lắng. Hiện tượng “già” trước tuổi bắt nguồn từ sự lão hóa sớm làn da. Rất có thể vì con cái, gia đình, công việc mà nhiều chị em đã quên chăm sóc bản thân, nói khác đi là quên chăm sóc làn da của mình.

Sự bỏ bê này hoặc có chăm sóc nhưng không đúng cách khiến cho làn da mất đi vẻ mịn màng, tươi sáng và mát mẻ ban đầu. Chúng trở nên khô, xù xì, thô ráp và nhăn nheo. Đây chính là nỗi sợ hãi của hầu hết chị em.

Các vết nhăn trên da một phần do tuổi tác làm suy giảm các thành phần như Collagen, Gelatin (tạo sự bền bỉ và dẻo dai), một phần là do da thiếu chất dinh dưỡng hoặc do nguyên nhân nào đó làm cho da bị khô, như tiếp xúc nhiều với ánh nắng mà không có phương tiện phòng hộ.

Sự lão hóa làn da có thể được khắc phục bằng cách thường xuyên tẩy các tế bào chết trên da, đắp mặt nạ dưỡng da và dùng kem dưỡng ẩm đồng thời bổ sung sinh tố cho da qua sự khuếch tán đường lỗ chân lông.

Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi giàu các vitamin sẽ làm chậm quá trình lão hóa da. Luôn rèn luyện thân thể bằng thể dục thể thao nâng cao tình trạng sức khỏe chung, massage da, nhất là khu vực da vùng mặt để đẩy lùi các “dấu chân chim”.

Bên cạnh việc rèn luyện thể lực thì một tinh thần lạc quan, vui vẻ, vô tư, yêu đời, để ngoài mọi stress sẽ giúp cho tế bào da kéo dài tuổi thọ và khó bị lão hóa hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyên nên ngủ trước 23 giờ, không gian ngủ mơ màng, không được để đèn sáng sẽ giúp da chuyển hóa tốt, tái tạo và phục hồi nhanh đẩy xa tình trạng lão hóa sớm của làn da.

Việc bổ sung các vitamin A, C, D, E… theo chỉ định của các bác sĩ cũng góp phần làm cho các bộ phận trong cơ thể khỏe mạnh hơn, từ đó biểu hiện ra bên ngoài là làn da cũng được khỏe mạnh hơn.

Hy vọng các chị em sẽ thu xếp được thời gian dành riêng cho việc chăm sóc làn da của mình trước khi mọi việc trở nên quá… muộn.

Lưu ý khi sử dụng vitamin

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Nhiều người lớn tuổi thường được con cháu quan tâm hay tự mình mua dùng các loại vitamin với mục đích… đẹp da và chắc xương. Tuy nhiên, các vitamin không phải là thuốc bổ như người ta mong đợi.

Sau đây là tác dụng chính và tác dụng phụ của một số loại vitamin thường được sử dụng.

Vitamin A: Vitamin A rất cần cho hoạt động của mắt, sự phát triển của tế bào và các mô, tham gia vào quá trình miễn dịch của cơ thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh, kéo dài hiện tượng lão hóa và thậm chí ngặn chặn một số bệnh ung thư.

Vitamin A dự trữ trong gan theo nguyên tắc “cung cấp bao nhiêu, dự trữ bấy nhiêu”. Do vậy, việc cung cấp thừa sẽ tích lũy lại trong cơ thể gây ra ngộ độc.

Các triệu chứng do ngộ độc vitamin A thường diễn ra từ từ cùng với lượng dư thừa tích lũy trong cơ thể. Các biểu hiện thường gặp là cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, rụng lông, tóc, khô da, niêm mạc, bong vảy, đau khớp… Có thể gây sảy thai và sinh ra quái thai. Việc dùng vitamin A là chống chỉ định tuyệt đối ở phụ nữ đang mang thai.

Nếu vitamin A được đưa vào cơ thể với một liều lớn trong cùng một lần sẽ gây ra ngộ độc cấp với các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, thóp phồng ở trẻ nhỏ. Sau đó là bong da và niêm mạc.

Vitamin E: Có vai trò chống lại sự lão hóa nhờ tác dụng chống lại sự oxy hóa, làm chậm quá trình phát triển của một số bệnh ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (vì làm giảm cholesterol xấu và tăng cường sự tuần hoàn máu). Ngoài ra, còn kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Mặc dù giống các vitamin B và C là có thể dùng liều cao và kéo dài mà không độc, tuy vậy, không nên lạm dụng vitamin E. Các biến đổi trong cơ thể do thừa vitamin E gây ra người dùng và những người xung quanh không nhìn thấy, nhưng các nhà chuyên môn “nhìn thấy”.

Đó là làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông, Warfarin và nhất là làm tăng tác dụng ngăn ngưng kết tiểu cầu của Aspirin, gây rối loạn quá trình đông máu qua việc làm giảm sự kết dính của tiểu cầu trong máu.

Để an toàn, người dùng vitamin E liều cao, kéo dài nếu có phối hợp với các thuốc trên thì nên ngừng dùng thuốc vài tuần trước khi tiếp nhận một cuộc mổ theo chương trình.

Vitamin D: Có vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ xương con người qua việc tham gia vào quá trình hấp thụ calcium và phosphore ở ruột non. Vitamin D góp phần tạo độ chắc bóng cho răng, phát triển hệ da, tham gia hệ thống miễn dịch và bài tiết của các tuyến tụy, tuyến cận giáp…

Vitamin D thường được sử dụng để phòng và chữa bệnh còi xương, loãng xương. Nhưng nếu liều cao kéo dài nhiều tuần sẽ gây ngộ độc với các biểu hiện: Chán ăn, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, nhức đầu, yếu cơ, đau nhức các xương khớp... Xét nghiệm sẽ thấy calcium máu tăng và lượng calcium trong nước tiểu cũng tăng cao.

Vitamin D chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp đang có bệnh ở ruột và dạ dày, bệnh cấp hoặc mạn tính ở gan và thận, lao phổi đang tiến triển, suy tim mất bù, tăng calcium máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ