Theo các nhà khoa học, khi khí hậu trái đất ấm lên và các con tàu tiếp tục sử dụng các tuyến đường xuyên qua lớp băng dày, vi khuẩn Methuselah - còn được gọi là virus Zombie - có thể tái xuất hiện, và gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh lớn.
Tờ Observer đưa tin, một “Mạng giám sát Bắc Cực” đang trong quá trình được thiết lập nhằm xác định trường hợp mắc bệnh sớm do loài vi sinh vật cổ đại gây ra.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sẽ cách ly và điều trị y tế cho những người mắc bệnh để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, đồng thời ngăn chặn người nhiễm bệnh rời khỏi khu vực.
Nhà di truyền học Jean-Michel Claverie của Đại học Aix-Marseille nói với tờ báo Observer: “Người ta ít chú ý đến một đợt bùng phát có thể xuất hiện ở phía bắc xa xôi và sau đó lan xuống phía nam, và tôi tin rằng, đó là một sự sơ suất.
Có những loại virus ở đó có khả năng lây nhiễm sang người và bắt đầu một đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Các loại virus này nằm sâu trong lớp băng vĩnh cửu ở bán cầu bắc, một số trong số chúng có niên đại từ 48.000 năm trước.
Điểm quan trọng của lớp băng vĩnh cửu là nó lạnh, tối và thiếu oxy, rất lý tưởng để bảo quản vật liệu sinh học.
Bạn có thể đặt sữa chua vào lớp băng vĩnh cửu và nó vẫn có thể ăn được 50.000 năm sau”.
“Mối nguy hiểm đến từ một tác động nóng lên toàn cầu khác: sự biến mất của băng biển Bắc Cực. Điều đó cho phép tăng cường vận chuyển, giao thông và phát triển công nghiệp ở Siberia.
Các hoạt động khai thác quy mô lớn đang được lên kế hoạch và sẽ tạo ra những hố lớn vào lớp băng vĩnh cửu sâu để khai thác dầu và quặng.
Những hoạt động đó sẽ giải phóng một lượng lớn mầm bệnh vẫn phát triển mạnh ở đó. Thợ mỏ sẽ bước vào và hít phải virus. Hậu quả có thể rất tai hại”, ông Claverie cho biết thêm.
Năm ngoái, một nghiên cứu từ tạp chí PLoS Computational Biology đã tiết lộ rằng, biến đổi khí hậu có thể đẩy nhanh việc giải phóng các mầm bệnh do làm tan lớp băng vĩnh cửu và băng đã bị giữ lại trong nhiều thiên niên kỷ.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Giovanni Strona thuộc Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu và Giáo sư Corey Bradshaw của Đại học Flinders ở Úc dẫn đầu, đã sử dụng mô phỏng máy tính để mô hình hóa tác động của mầm bệnh cổ xưa lên cộng đồng vi khuẩn, virus.
Các nhà nghiên cứu đã xây dựng các thí nghiệm mô phỏng, trong đó mầm bệnh kỹ thuật số từ quá khứ xâm chiếm các cộng đồng vật chủ giống vi khuẩn.
Họ so sánh tác động của các mầm bệnh xâm nhập lên sự đa dạng của vi khuẩn vật chủ với những tác nhân trong cộng đồng không xảy ra sự xâm lấn.
Họ phát hiện ra rằng, trong các mô phỏng của mình, các mầm bệnh cổ xưa thường có thể tồn tại và phát triển trong thế giới hiện đại, và khoảng 3% trở nên chiếm ưu thế trong môi trường mới.
Giáo sư Corey Bradshaw cho biết: “Là một xã hội, chúng ta cần hiểu nguy cơ tiềm ẩn do những vi khuẩn cổ xưa này gây ra để có thể chuẩn bị cho mọi hậu quả không lường trước được khi chúng được thả vào thế giới hiện đại”.