Virus trong lớp băng vĩnh cửu có thể lây nhiễm amip

GD&TĐ - Nghiên cứu mới phát hiện ra, những loại virus cổ xưa trong lớp băng vĩnh cửu có thể lây nhiễm amip hiện đại khi chúng được hồi sinh.

Các đặc điểm hình thái của virus được phân lập.
Các đặc điểm hình thái của virus được phân lập.

Một nhóm các nhà khoa học khí hậu đến từ Pháp, Nga và Đức đã phát hiện ra rằng, những loại virus cổ xưa không hoạt động hàng chục nghìn năm trong lớp băng vĩnh cửu có thể lây nhiễm amip hiện đại khi chúng được hồi sinh. Nghiên cứu mới được báo cáo trên trang web Viruses.

Nhóm nghiên cứu cho biết đã thu thập một số mẫu virus khổng lồ từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Sau đó, kiểm tra xem liệu những virus này có thể lây nhiễm cho các sinh vật hiện đại hay không.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, đất đóng băng vĩnh cửu là một chất bảo quản tuyệt vời. Nhiều xác động vật tuyệt chủng đã được khai thác từ lớp băng vĩnh cửu ở Bắc bán cầu.

Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, hạt giống cây trồng nằm trong lớp băng vĩnh cửu có thể kích thích để phát triển sau khi được hồi sinh. Một số bằng chứng cho thấy, virus và vi khuẩn bị mắc kẹt trong lớp băng vĩnh cửu có thể lây nhiễm cho vật chủ nếu được hồi sinh. Trong nỗ lực mới đây, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm lý thuyết này.

Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã tiếp nối công việc trước đó vào năm 2014. Kết quả trước đó cho thấy, một loại virus 30.000 năm tuổi có thể được hồi sinh và lây nhiễm.

Nhóm đã tiếp tục nỗ lực đó bằng cách hồi sinh loại virus khác vào năm 2015 và cho phép nó lây nhiễm một loại amip. Trong nỗ lực mới này, nhóm đã thu thập một số mẫu virus từ nhiều địa điểm đóng băng vĩnh cửu trên khắp Siberia để thử nghiệm.

Vì lý do an toàn, nhóm nghiên cứu chỉ thu thập cái gọi là virus khổng lồ và chỉ những virus có thể lây nhiễm amip, không phải con người hay bất kỳ sinh vật nào khác.

Khi hồi sinh các mẫu virus, nhóm nghiên cứu nhận thấy, chúng vẫn có khả năng lây nhiễm amip. Họ cũng phát hiện ra, thông qua việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của lớp băng vĩnh cửu nơi chúng được tìm thấy, các loại virus này đã ở trạng thái không hoạt động trong khoảng từ 27.000 đến 48.500 năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, phát hiện mới gợi ý về một vấn đề lớn hơn nhiều. Đặc biệt, khi hành tinh nóng lên và lớp băng vĩnh cửu tan chảy, khả năng cao là các loại virus có thể lây nhiễm cho con người sẽ xuất hiện.

Nhóm lưu ý rằng, mối đe dọa như vậy không phải là khoa học viễn tưởng. Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy virus cúm ở mẫu phổi của một phụ nữ Alaska tử vong trong đại dịch cúm năm 1918.

Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác đã tìm thấy virus liên quan đến bệnh đậu mùa ở một xác ướp phụ nữ tìm thấy tại Siberia.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.