Tranh cãi về Covid-19 lây qua không khí

Tranh cãi về Covid-19 lây qua không khí

Covid-19 có trong không khí?

Hơn 200 nhà khoa học từ 32 quốc gia đang kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghiêm túc hơn về khả năng lây lan trong không khí của Covid-19. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc bệnh trên thế giới tăng mạnh.

Trong thư gửi đến WHO, 239 nhà khoa học từ 32 nước khẳng định rằng có chứng cứ cho thấy các hạt nhỏ hơn vẫn có thể chứa virus gây bệnh. 

Theo các nhà khoa học này, virus Covid-19 có thể có trong không khí và khiến người hít phải mắc bệnh, dù chúng tồn tại trong những hạt nước nhỏ bắn ra trong không khí khi hắt hơi, hay những hạt li ti nhỏ hơn nhiều có thể bay lơ lửng trong phòng.

Tuy nhiên, WHO khẳng định, virus Covid-19 chủ yếu lây nhiễm qua các giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. 

Ngoài ra, do các giọt dịch này quá nặng, nên chúng không thể bay lơ lửng trong không khí. Sau khi bị văng ra, giọt dịch sẽ nhanh chóng rơi xuống đất hoặc bám vào những bề mặt gần đó.

WHO khuyến cáo mọi người giữ khoảng cách ít nhất là 1m với những người khác; thường xuyên tẩy trùng các bề mặt đồ dùng vật dụng; rửa tay thường xuyên và hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng.

Trước những kết luận này, 239 nhà khoa học cho rằng, WHO chưa đưa ra đánh giá "đầy đủ" đối với Covid-19. Lawrence Gostin - Giáo sư luật sức khoẻ toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết, uy tín của WHO đang bị "hủy hoại". Người này cũng cảnh báo, cộng đồng, và các nhà khoa học sẽ mất niềm tin hoàn toàn vào WHO nếu không nhận được những hướng dẫn rõ ràng hơn.

WHO cho rằng, chứng cứ về việc Covid-19 lây qua không khí là không thuyết phục. 

"Đặc biệt là trong vài tháng gần đây, chúng tôi đã vài lần nói rằng, khả năng virus lây nhiễm trong không khí là có thể, nhưng chắc chắn chưa được chứng minh bởi chứng cứ rõ ràng", bà Benedetta Allegranzi - chuyên gia trưởng của WHO về lĩnh vực phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.

3 đường lây cơ bản của Covid-19

Trước đó, Bộ Y tế khẳng định, chỉ có 3 con đường lây nhiễm cơ bản của Covid-19, bao gồm: Lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; Lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.

Cách lây qua qua đường phân (trong trường hợp chăm sóc người nhiễm bệnh) thường không xảy ra vì bệnh nhân được chăm sóc cách ly trong cơ sở y tế. Cách lây theo đường bụi khí là hoàn toàn không chính xác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, virus Covid-19 không lây qua đường không khí mà chỉ lây nhiễm đối với trường hợp gặp những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2m.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng nhận định, Covid-19 không lây qua đường không khí.

"Chính vì vậy, tôi đã đề nghị không phun hoá chất diệt khuẩn vào không khí", PGS Nga nói thêm. Cũng theo chuyên gia này, mặc dù đây là vấn đề còn gây tranh cãi, nhưng ông khẳng định, quan điểm của mình là đúng.

Lý do Covid-19 lây lan nhanh

TS. Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP HCM lý giải, Covid-19 lây lan nhanh là do dù không có nguồn gốc từ người, nhưng cấu trúc lại được tiến hoá, dễ bám và xâm nhập vào tế bào niêm mạc hô hấp của người. Đó là gen giúp virus hình thành nên các gai trên bề mặt mà các nhà chuyên môn gọi là Spike.

Sau khi bám vào enzym chuyển angiotensin 2 (ACE2), virus có khả năng dễ hòa nhập phần vỏ đã bám dính vào màng của tế bào niêm mạc. Từ đó, chúng xâm nhập vào bên trong tế bào dễ dàng để phóng thích chất liệu di truyền là RNA, nhân bản thành các virus mới để được phóng thích ra ngoài, xâm nhập vào các tế bào mới.

Ngoài ra, Covid-19 có một khiếm khuyết trên bộ gen và khiến virus nhân bản chậm sau khi xâm nhập vào tế bào niêm mạc hô hấp. Điều này khiến người mắc có thời gian ủ bệnh lâu, có thể lên đến 14 ngày. 

Ngoài ra, do nhân bản chậm nên nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Vì vậy, nhiều trường hợp nhiễm bệnh ở cộng đồng khiến dịch bệnh âm thầm lây lan, bùng phát.

Theo TS. Vân, Covid-19 lây qua tiếp xúc gần và các giọt bắn từ người bệnh.

"Ngoài ra, tiếp xúc gần cũng làm cho virus lây qua người khác thông qua bắt tay, ôm hôn, hay dùng chung phòng, dùng chung nhà vệ sinh, vòi rửa tay, tay nắm cửa… Người nhiễm virus có thể ho khiến giọt bắn có trên các vật liệu này hay dính vào tay người bệnh, sau đó xuất hiện ở các vật trên", TS. Vân cho hay.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chia sẻ, trước đó, một số nhà nghiên cứu Italy cũng nhận định, có khả năng virus SARS-CoV-2 tồn tại trong không khí.

"Tôi từng đặt ra câu hỏi rằng, tại sao Covid-19 lại bùng phát khủng khiếp ở Mỹ và châu Âu? Phải chăng có sự liên quan giữa người nhiễm bệnh nhưng không chịu đeo khẩu trang khi ra đường hay đến nơi công cộng, dẫn đến virus bám vào các hạt bụi mịn và sương mù", bác sĩ Phúc phỏng đoán.

Cũng theo bác sĩ này, rất có thể người dân ở một số quốc gia không chấp nhận đeo khẩu trang, trong khi mùa xuân ở những nơi này rất nhiều sương mù.

"Nên tôi cho rằng, đó chính là một trong những căn nguyên để Covid-19 bùng phát đến mức mất kiểm soát như hiện nay", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.