Trong nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí sinh học bioRxiv, các nhà khoa học đã xem xét mô mỡ thu được từ các cuộc phẫu thuật trên bệnh nhân béo phì. Từ đó, họ tìm hiểu xem mô có thể nhiễm virus Coronavirus hay không.
Nhóm nhà khoa học phát hiện, các tế bào mỡ có thể bị nhiễm virus và tiến triển thành viêm ở mức độ nhẹ. Họ cũng nhận thấy, các tế bào miễn dịch nằm trong mô mỡ, được gọi là đại thực bào, cũng bị nhiễm virus. Những tế bào này có phản ứng viêm dữ dội hơn.
Ngoài các thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra mô mỡ của những bệnh nhân tử vong do Covid-19. Họ tìm thấy các phân tử Coronavirus trong chất béo ở những cơ quan cơ thể khác nhau.
Các virus như HIV và cúm có thể tự di chuyển trong mô mỡ, như một cách ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch. Một số chuyên gia cho rằng, về mặt lý thuyết, SARS-CoV-2 có thể làm điều tương tự: Biến chất béo thành “ổ chứa” virus.
“Nghiên cứu mới này vẫn chưa được bình duyệt hoặc công bố trên một tạp chí khoa học. Tuy nhiên, nếu kết quả này được xem xét kỹ lưỡng, thì điểm mấu chốt là, virus có thể lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào mỡ”, ông Philipp Scherer - một nhà khoa học nghiên cứu tế bào mỡ tại Trung tâm Y tế UT Southwestern ở Dallas (Mỹ) và không tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ.
Kể từ những ngày đầu của đại dịch, bệnh nhân béo phì đã phải đối mặt với nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhập viện và tử vong do Covid-19. Một số lý thuyết đã giải thích tại sao chất béo làm tăng nguy cơ diễn biến nghiêm trọng khi mắc Covid-19.
Đối với những người béo phì, mỡ thừa ở bụng có thể đẩy lên cơ hoành. Từ đó, hạn chế luồng không khí vào phổi. Tờ Science đưa tin, nếu ai đó đang phải vật lộn để có đủ oxy tới phổi, thì khả năng chống lại Covid-19 của họ sẽ kém hơn bình thường.
Ngoài ra, máu của những người béo phì có xu hướng dễ đông hơn so với người có lượng mỡ thấp hơn. Đây cũng được coi là một vấn đề lớn trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Bởi, tình trạng này có thể gây đông máu trên diện rộng.
Ngoài ra, khi chất béo tích tụ trong cơ thể, các tế bào mỡ sẽ thâm nhập vào lá lách, tủy xương và tuyến ức - nơi sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch. Hiện tượng này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Đồng thời, làm suy yếu hiệu quả của các tế bào miễn dịch được tạo ra.
Mỡ thừa cũng có thể thúc đẩy tình trạng viêm mãn tính với mức độ nhẹ trên khắp cơ thể. Bởi, các tế bào mỡ giải phóng những chất gây viêm gọi là cytokine. Đại thực bào cũng phản ứng theo cách tương tự, trong nỗ lực loại bỏ các tế bào mỡ chết khỏi cơ thể.
Tất cả những yếu tố này có thể khiến người béo phì diễn biến nặng khi mắc Covid-19. Song, bằng chứng mới này cho thấy, việc virus lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào mỡ có thể là nguyên nhân chính gây bệnh nặng ở người béo phì mắc Covid-19.
“Điều này có thể góp phần vào bệnh Covid-19 nặng. Chúng tôi nhận thấy phản ứng ở người béo phì mắc Covid-19 tương tự như với cytokine gây viêm. Người bệnh có phản ứng với sự nhiễm trùng của các mô mỡ đó”, tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Catherine Blish - một nhà miễn dịch học và là Giáo sư Y khoa tại Trường Y Đại học Stanford chia sẻ.