Người béo phì, “mắt xích yếu” trong thời đại dịch

GD&TĐ -

Bệnh nhi béo phì từng rơi vào nguy kịch khi mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.
Bệnh nhi béo phì từng rơi vào nguy kịch khi mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.

Trong thời gian giãn cách xã hội, người béo phì dễ tăng cân do hạn chế vận động, không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Ngoài ra, người đái tháo đường kèm béo phì có nguy cơ phải nhập viện cũng như khả năng tử vong do Covid-19 cao.

Yếu tố gây bệnh nặng khi mắc Covid-19

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% trong năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo Viện Dinh dưỡng, có 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu xác định, béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng. Từ đó, có thể khiến người béo phì phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

Việc giãn cách xã hội kéo dài khiến không ít người, bao gồm trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, cũng như có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao. Từ đó, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.

Theo TS BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, tình trạng béo phì đang ngày càng tăng. Béo phì là tình trạng tích tụ quá mức lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng (mỡ xung quanh các cơ quan trong bụng). Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 kg/m2 tới dưới 25 kg/m2 được xếp vào nhóm thừa cân, từ 25 kg/m2 trở lên được xem là béo phì.

Bệnh lý béo phì gây ra các rối loạn về chuyển hóa, cũng như rối loạn chức năng của cơ thể. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến những cơ quan khác như hô hấp, khớp, tim mạch...

“Điều đáng lo ngại là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu. Người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn”, chuyên gia cảnh báo.

TS.BS Trần Quang Nam lưu ý, trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, người thừa cân, béo phì dễ tăng cân. Bởi, họ hạn chế vận động, không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Mặt khác, người bệnh đái tháo đường nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị biến chứng nặng.

“Đặc biệt, với người đái tháo đường kèm béo phì, nguy cơ phải nhập viện do Covid-19 càng cao và có thể tăng khả năng tử vong. Vì vậy, người bệnh béo phì cần phải thực hiện chế độ ăn khoa học, duy trì tập luyện thể chất để kiểm soát cân nặng cũng như duy trì đường huyết ở mức ổn định”, chuyên gia nhấn mạnh.

Phương pháp kiểm soát cân nặng

TS.BS Trần Quang Nam chia sẻ, người bệnh béo phì được khuyến khích kiểm soát cân nặng bằng các phương pháp không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và vận động điều độ.

Trong khi đó, BS.CKI Ngô Cao Ngọc Điệp - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chế độ ăn được đề nghị cho người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết thường từ 1.500 - 1.800 kcal/ngày đối với nam. Đối với nữ, con số này là 1.200 - 1.500 kcal/ngày.

Trong đó, tỷ lệ các nhóm đại dưỡng chất như bột đường, đạm và chất béo có trong khẩu phần phải được cá thể hóa, như: Phù hợp với mô hình ăn uống hiện tại, phù hợp thực phẩm địa phương, với sở thích...

Các nguyên tắc chính của chế độ ăn bao gồm: Ăn uống điều độ; Chọn lựa thực phẩm lành mạnh; Kiêng ăn các thực phẩm ngọt và giàu béo; Ăn vừa đủ chất đạm và tinh bột; Ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ.

Song song với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết cũng được khuyến cáo lên kế hoạch tập luyện thể chất phù hợp. Trong quá trình giảm cân, việc tập luyện giúp bảo toàn khối cơ xương. Đồng thời, giúp tăng cường sự trao đổi chất. Từ đó, duy trì số cân đã giảm thông qua giảm calo hấp thụ ở khẩu phần ăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.