Virus cúm A/H7N9: Chưa "lộ sáng"!

Virus cúm A/H7N9: Chưa "lộ sáng"!

(GD&TĐ) - Dù chỉ mới xuất hiện ở trên người chưa bao lâu, nhưng chủng virus cúm gia cầm A/H7N9 đã nhanh chóng gây nên sự lo ngại sâu sắc cho toàn thế giới trước nguy cơ bùng phát một dịch cúm gia cầm mới trên toàn cầu. Các chuyên gia y tế khẳng định, hoàn toàn chưa có bằng chứng cho thấy virus cúm A/H7N9 có thể lây truyền từ người sang người, nhưng kinh nghiệm đối phó với dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 cho thấy, Việt Nam cần cảnh giác cao độ với loại virus cúm gia cầm mới nổi này.

Nhận diện virus cúm A/H7N9

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế - PGS. TS Nguyễn Thanh Long - virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc gene từ virus cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người trước đây. Khi bị nhiễm loại virus này, người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, hiện tại, dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp, nhanh, mạnh và vẫn chưa xác định rõ nguồn lây cũng như khả năng kiểm soát dịch. Điều này gây nên khó khăn lớn cho việc nhận diện, đánh giá mức độ nguy hiểm của loại virus này.

Virus cúm A/H7N9: Chưa "lộ sáng"! ảnh 1
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus cúm A/H7N9 thuộc loại virus cúm A. Trong số các loại virus cúm A, hầu hết gây bệnh ở động vật và một số loại lây từ động vật sang người, mới chỉ có hai loại được phát hiện có khả năng lây từ người sang người là virus cúm A/H1N1 gây đại dịch từ năm 2009 và cúm A/H3N2. Đối với virus cúm A/H7N9, từ trước đến nay chỉ xuất hiện ở gia cầm, chưa từng xuất hiện ở người bao giờ và các nhóm virus cúm A/H7 thường gây bệnh nhẹ chứ không gây tử vong như các trường hợp tại Trung Quốc.

Còn theo GS. TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – tuy chưa có bằng chứng khẳng định virus cúm A/H7N9 có thể lây truyền từ người sang người nhưng loại virus này cũng khiến chúng ta lo ngại bởi nó là virus ở động vật nhưng lại có thể gây tử vong cho con người. Mặt khác, virus cúm ở gia cầm và ở người có tính biến dị, biến chủng nên chúng ta cần giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để phát hiện sớm các ca bệnh.

Lên kịch bản ứng phó với virus cúm A/H7N9

Virus cúm A/H7N9 có nguồn gốc gene từ virus cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người trước đây. Khi bị nhiễm loại virus này, người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với biểu hiện sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp.

(PGS. TS Nguyễn Thanh Long –Thứ trưởng Bộ Y tế)

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia thành viên đang tích cực giám sát, điều tra và thu thập các thông tin về dịch tễ học, virus học cũng như bệnh học của dịch bệnh này. Còn tại Việt Nam, dựa vào những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong quá trình đối phó với những dịch bệnh nguy hiểm như dịch SARS, dịch cúm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009…, chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9 ở nhiều cấp độ, với 4 kịch bản khác nhau.

 Thực tế hiện nay, virus cúm A/H7N9 chưa ghi nhận tại nước ta, nhưng theo Bộ Y tế, khả năng loại virus này có thể lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang virus không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư… hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Hướng dẫn Giám sát và phòng chống bệnh cúm A/H7N9 do Bộ Y tế mới ban hành, có thể thấy rằng, dù ở bất cứ kịch bản nào, khi chưa có bệnh nhân hay khi dịch đã lan rộng ra cộng đồng, thì việc phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, từ đó xác định chính xác các ca bệnh, cách ly người bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu chúng xuất hiện) là rất quan trọng. Đặc biệt, trong tất cả các tình huống của dịch, việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thuộc hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia cần phải xét nghiệm thêm để xác định virus cúm A/H7N9 và phải duy trì liên tục nhằm theo dõi sự tiến triển của dịch và sự biến đổi của chủng virus mới này.

Cần áp dụng các biện pháp phòng cúm nói chung

TS Nguyễn Văn Bình cho biết, do cúm A/H7N9 hiện nay chưa rõ đường lây cũng như độc tính của virus ở mức độ nào, vì vậy, chúng ta chỉ có thể đưa ra những biện pháp phòng cúm nói chung. Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, hiểu biết của mình về các biện pháp phòng cúm và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, cho dù ở Việt Nam chưa xuất hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9.

Theo khuyến cáo của GS. TS Nguyễn Trần Hiển, để phòng ngừa các chủng cúm thông thường cũng như các loại cúm có thể lây từ người sang người, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. Trong gia đình có người mắc những căn bệnh này, cần làm thông thoáng nơi ở, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường.

Người dân cũng cần chú ý nâng cao sức đề kháng bằng cách áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, sinh hoạt điều độ, tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

Một điều rất quan trọng người dân cần lưu ý để phòng ngừa lây nhiễm cúm gia cầm là tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán, giết mổ, ăn thịt gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Kinh nghiệm phòng chống dịch SARS, cúm A/H5N1 và đại dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam:

- Sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch.

- Chủ động chuẩn bị các hoạt động phòng chống đại dịch từ trung ương đến địa phương: giám sát, thu dung, điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, trang thiết bị.

- Chia sẻ kịp thời thông tin giữa các đơn vị trong nước và quốc tế về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo các tình huống của dịch để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Các phòng xét nghiệm xác định kịp thời chủng vi rút gây bệnh và các biến đổi của vi rút để có các biện pháp đáp ứng phù hợp.

Kim Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…