Năm học đầu tiên của cấp học THPT, chúng tôi đều không khỏi ngỡ ngàng khi cầm trên tay cuốn sách Ngữ văn 10, với những hình ảnh in ấn đầy sắc màu bắt mắt và nội dung được kết cấu theo những phần kĩ năng “Đọc”, “Viết”, “Nghe-nói”.
Nhưng rồi, rất nhanh, chúng tôi được khai mở nhiều điều mới mẻ. Đó là khi học về thể loại truyện, thay vì đi tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, thông tin của tác giả, phân tích các nhân vật, chúng tôi được thầy cô “dắt” đi một “lối” khác mà theo tôi đánh giá đó là con đường chưa nhiều người đi, còn nhiều thử thách và khó khăn, nhưng cũng không kém phần mới mẻ, thích thú. Chúng tôi được tìm hiểu về cốt truyện, điểm nhìn, lời kể chuyện, ngôi kể, ngôi kể, nhân vật…Đó là cách tìm hiểu tác phẩm theo mã thể loại.
Hình ảnh học sinh trường Trung học Vinschool Ocean Park trong tiết học Ngữ văn |
Cách tiếp cận mới mẻ
Về cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh, đây là điểm khiến tôi bất ngờ nhất. Trong những năm trước đây, đối diện với mỗi kì thi, chúng tôi sẽ thường học thuộc những đề văn thầy cô đã phân tích, dành hàng giờ liền để nhẩm đi nhẩm lại những vần thơ, câu chữ trong đề cương ôn tập. Vì chúng tôi biết rằng, đề thi chắc chắn sẽ ra sẽ luôn nằm trong một tác phẩm mà học sinh đã được học và hỏi những câu hỏi thầy cô đã từng hỏi và cho đáp án.
Nhưng đối với các kỳ kiểm tra trong năm học lớp 10 vừa rồi lại vô cùng khác. Đề kiểm tra hoàn toàn là đề mới và mở, ngữ liệu đưa ra không có trong tài liệu, không phải các văn bản chúng tôi được học trên lớp. “Vậy đề kiểm tra hỏi chúng ta điều gì?” Đó là câu hỏi mà gần 300 HS ở Vinschool Ocean Park đã râm ran truyền tai nhau trong tâm trạng thấp thỏm, chờ đợi.
Và rồi, lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy đề cương ôn tập là không cần thiết, học thuộc, việc học tủ không còn “đất diễn”. Vậy chúng tôi làm gì với đề kiểm tra? Chúng tôi viết gì? Vâng, và câu trả lời rất đơn giản: “Chúng tôi viết những điều chúng tôi nghĩ, chúng tôi vận dụng những kỹ năng nhận diện mã thể loại và thực hành, áp dụng ngay trên một ngữ liệu hoàn toàn mới trong thời gian 90 phút”.
Ở một góc độ khác, với chương trình Ngữ văn 10 - Sách Kết nối tri thức với cuộc sống, học sinh hoàn toàn có thể rèn luyện và phát huy tối đa khả năng tự học của mình với hệ thống câu hỏi của bài học. Đồng thời ở các kĩ năng như Viết, Nghe - nói, học sinh tự chủ trong việc sử dụng bảng kiểm để tự đánh giá sản phẩm của mình cũng như đưa ra những góp ý cho bạn.
Với những đổi mới trên, việc học môn Ngữ văn khiến tôi tự tin hơn bao giờ hết. Và tình yêu môn Ngữ văn cũng dần được lấp đầy thay thế cho sự sợ hãi khi đối diện với những con chữ. Và không chỉ tôi, hơn 77% học sinh tại Vinschool Ocean Park yêu thích/rất yêu thích môn học. Và chỉ dưới 3% học sinh còn đang chưa vượt qua được rào cản với chính bản thân để mở lòng và yêu thích môn học. Tôi hi vọng rằng cách tiếp cận môn học mới mẻ này sẽ được các bạn học sinh đón nhận nhiều hơn nữa.