Vĩnh Phúc: Thấy gì sau 7 thập niên xây dựng và phát triển

GD&TĐ - Đầu năm 1950 tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên  với diện tích hơn 1.700 km2 và khoảng 4 vạn người. Sau 7 thập niên xây dựng và phát triển, đến ngày hôm nay tỉnh Vĩnh Phúc nổi lên là hình mẫu về phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh.

Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Nhìn lại những mốc son trong lịch sử phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 12/2/1950, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên với diện tích là 1.715km2 và 47 vạn người.

Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc ngày nay. Ảnh: TG
Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc ngày nay. Ảnh: TG

Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, gần 1,3 triệu dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã.

Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.

Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên là 1.235,87 km2, dân số trên 1,15 triệu người. Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thành phố, Vĩnh Yên và Phúc Yên; có 7 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo; với 137 xã, phường, thị trấn (trong đó có 110 xã, 12 thị trấn, 15 phường).

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhân dân Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đứng trước những khó khăn như vậy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quán triệt chủ trương của Trung ương, tập trung giáo dục để toàn dân thống nhất về tư tưởng; tập hợp lực lượng khôi phục lại nền kinh tế do chiến tranh, trong đó tập trung khôi phục năng lực sản xuất nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm nhằm ổn định đời sống nhân dân. Những kết quả đạt được trong những năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, tình hình chính trị và xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải tạo nền kinh tế theo hướng XHCN. Các phong trào xây dựng hợp tác xã, tham gia tổ đổi công, làm thủy lợi, chống hạn, đắp đê, khai hoang phục hóa... diễn ra sôi nổi, đạt kết quả cao.

Thành quả ngọt ngào

Từ năm 1958 phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện đại trà theo sự chỉ đạo của Trung ương. Một số hợp tác xã được xây dựng đã trở thành điển hình tiên tiến như: Hợp tác xã Lai Sơn, xã Cộng Hòa (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên).

Sự đồng thuận của các cấp Ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội là "chìa khóa vàng" trong sự thành công của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TG
Sự đồng thuận của các cấp Ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội là "chìa khóa vàng" trong sự thành công của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TG

Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những chuyển biến căn bản về mặt xã hội; công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cũng đã được đẩy mạnh; tạo nên động lực chính trị quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn mới vững vàng hơn, đó là thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960).

Triển khai thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Kết quả, cả ba chỉ tiêu chủ yếu là năng suất, diện tích và sản lượng cây trồng đều tăng so với những năm trước. Năm 1963, sản lượng lương thực quy thóc đạt 231.312 tấn, tăng 3,18% (bằng 7.133 tấn) so với năm 1962, trong đó riêng thóc tăng 2,33%; năm 1964 đạt 256.740 tấn, vượt kế hoạch 4,39%, tăng 27.320 tấn so với năm 1963; năm 1965 đạt 257.173 tấn, trong đó riêng thóc đạt 197.945 tấn bằng 101,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 1964. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1964 tăng 37,3% so với năm 1960. Đáng phấn khởi là từ năm 1963 đến 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.

Trong 10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc) đã động viên 145.437 thanh niên lên đường nhập ngũ (trong đó có 4.773 nữ). Ngoài ra, toàn tỉnh có 3.850 thanh niên hoạt động trong các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, phục vụ trên các chiến trường. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, quân và dân Vĩnh Phú, (trong đó có Vĩnh Phúc) được Quốc hội, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 42.174 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các loại; 67.803 người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ các loại...

Thời kỳ 1976-1996, đặc biệt là 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1996) trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng.

Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp giảm xuống; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có những mặt tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao Vàng.

Thời kỳ 1997 đến nay,  để đưa Vĩnh Phúc phát triển theo đúng định hướng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc  tỉnh Vĩnh Phúc đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh. Sau 23 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ