Vĩnh Phúc: Lấy con người làm trung tâm trong chiến lược phát triển toàn diện kinh tế xã hội

GD&TĐ - Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân… tất cả đều hướng tới mục tiêu trung tâm là con người, đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường.   

Quang cảnh một buổi họp của lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Quang cảnh một buổi họp của lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Nhất quán chiến lược mục tiêu tăng trưởng

Mục tiêu này được nhất quán trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trao đổi với báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, đây là quyết tâm của Đảng bộ cũng như các cấp chính quyền tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc với phong trào xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc với phong trào xây dựng nông thôn mới

Về vấn đề hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác đổi mới lãnh đạo của Đảng bộ, góp phần tạo nên những chuyển biến mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chia sẻ: Mục tiêu của cả nhiệm kỳ được quán triệt từ các cấp lãnh đạo tới tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh là phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Để thực hiện được mục tiêu chính trị này, quan điểm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội là thực hiện nhất quán 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm phát triển kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người và đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường.   

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, bao gồm các đổi mới về mặt nhận thức và đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết.

Trước hết, về mặt nhận thức, quán triệt sâu rộng tinh thần chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không “lấn sân” hay quyết đáp các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tầng lớp trí thức công nông, đội ngũ doanh nhân cũng đã thay đổi đáng kể, họ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, quyết tâm hơn và đặc biệt là có khát vọng hơn. 

Về đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong  các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo. 

Chú trọng đổi mới trong cách thức lãnh đạo

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thì tỉnh hết sức chú trọng đổi mới trong cách thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành; chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. 

Bên trong một cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc
Bên trong một cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc

Với sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp  và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, trong đó hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội là điểm nhấn hết sức quan trọng.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015- 2020 tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt và vượt kế hoạch đề ra đối với toàn bộ 23 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 28,5 nghìn tỷ và là một trong những tỉnh đứng đầu miền Bắc về thu nội địa;

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao từ 30-54% tùy từng lĩnh vực, thay thế dần mức độ phụ thuộc vào các ngành công nghiệp lớn như ô tô, xe máy, vốn là thế mạnh của tỉnh trong những năm trước.

Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn là SUMITOMO (250 ha), Bá Thiện 2 (247ha), KCN Đồng Sóc (75 ha) và thu hút được các nhà đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan như BH flex, Inter flex, Compal, Fuchuan. Cho chủ trương 4 KCN lớn nữa như : Nam Bình xuyên, Thái hòa Liễn sơn, Lập thạch 1, 2, KCN Sông lô… Đồng thời triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn gồm Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cụm công nghiệp, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với thành phố Vĩnh Yên. 

Được biết, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đảm bảo thực hiện công tác An sinh xã hội với việc xây dựng 2 bệnh viện với quy mô lớn, hiện đại của tỉnh, 5 bệnh viện tuyến huyện và thành phố và 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn, xây dựng hơn 1.000 phòng học Mầm non, hoàn thiện và nâng cấp hàng trăm trường Tiểu học, Trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn, hóa, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hiệu lực bộ máy cũng đạt được những kết quả quan trọng với việc hoàn thành sắp xếp giảm bớt 91 đơn vị sự nghiệp trên toàn tỉnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ