Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng: Gỡ 'nút thắt' để doanh nghiệp tiếp cận vốn

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.
Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Vướng mắc trong thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay dù tiền gửi vào ngân hàng tăng, lãi suất đã giảm... đang là những vấn đề rất cần tháo gỡ.

Ổn định tỷ giá

Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm được các cân đối lớn của đất nước.

Song, bối cảnh doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp còn “than” thiếu vốn trong khi tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng 2 tháng đầu năm lại sụt giảm đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết tốt bài toán tỷ giá, lãi suất cũng như tìm ra điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ để bảo đảm việc cung ứng vốn được kịp thời.

Từ góc độ là một doanh nghiệp có quy mô chỉ chiếm 5% lao động và kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 8% của toàn ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mạnh dạn đưa ra so sánh tương quan giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là chính sách tỷ giá, với một số quốc gia cạnh tranh khác, để có đề xuất liên quan đến mục tiêu đẩy mạnh các ngành xuất khẩu.

Theo ông Trường, trong 2 năm 2022 - 2023, sau đại dịch Covid-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đều sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu.

Tại Việt Nam, tính chung 2 năm vừa qua, tiền đồng giảm khoảng 5%, nhưng với mức giảm này thì các ngành xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn so với các quốc gia khác.

“Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, trong 2 năm này, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong top 5 cỡ khoảng 15%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2 năm 2022 và 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10% và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may”, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Một lãnh đạo tập đoàn chuyên về kinh doanh bất động sản mong muốn doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Cụ thể, là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước là khá lớn (từ 4 - 5%). Doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Liên quan đến việc cần giảm tiếp lãi suất cho vay, ông Lê Tiến Trường chia sẻ, hiện lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so năm 2022, trong khi tổng dư nợ của tập đoàn giảm 11%.

“Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả cũng tăng 30%. Và đứng trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1 và 2/2024 đến giờ phút này cũng chưa cho thấy được tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023”, ông Trường cho biết.

Lo ngại nợ xấu gia tăng

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc tăng trưởng tín dụng thấp không đáng lo ngại; các ngân hàng đang nắm giữ lượng vốn rất lớn và sẵn sàng cho doanh nghiệp vay, song, “cần điều kiện cần và đủ” cũng như bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, chỉ sự nỗ lực riêng của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, ông Hùng đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn Nhà nước tăng vốn điều lệ để tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, tín dụng tăng chậm do yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán, nên 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Bên cạnh việc có doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu... thì vẫn có nhóm khách hàng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Khó khăn trong triển khai một số chương trình tín dụng như gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng...

Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số ngân hàng thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng, xét duyệt vay do lo ngại nợ xấu tăng, khiến giải ngân thấp.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, minh bạch tình hình tài chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.