Huyện Tam Đảo: Thực hiện tốt phong trào chung tay vì người nghèo

GD&TĐ - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung mọi nguồn lực tốt nhất giúp đỡ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Du lịch phát triển, thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) không còn hộ nghèo
Du lịch phát triển, thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) không còn hộ nghèo

Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Tam Đảo xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Ngay sau khi có Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 9/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 9104/KH-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch cụ thể; thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo để triển khai nhiệm vụ. Các chỉ tiêu giảm nghèo được cụ thể hóa trong Kế hoạch giảm nghèo bền vững hàng năm là cơ sở để triển khai thực hiện.

Tại Kế hoạch giảm nghèo bền vững hàng năm, huyện Tam Đảo đều đặt ra mục tiêu chung là cải thiện và nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên các đối tượng thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn khó khăn, khu vực miền núi. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống trong toàn huyện, giữ các nhóm dân cư. Tạo cơ hội để người nghèo ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả huyện chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch giảm nghèo hàng năm của huyện Tam Đảo là: Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững để cải thiện điều kiện sống, cải thiện sinh kế và nâng cao điều kiện sống của người nghèo. Tạo điều kiện để đối tượng nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Huy động mọi nguồn lực trợ giúp cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt như: hộ cao tuổi, mất sức lao động, khuyết tật, ốm đau, bệnh tật...

Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hợp lý về chênh lệch giàu nghèo giữ các thôn, các xã, thị trấn, khuyến khích phat triển tăng hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo, hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo.

Công tác quản lý, theo dõi diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều được ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý đồng bộ 3 cấp là tỉnh, huyện, xã.

Trong Kế hoạch giảm nghèo hàng năm, huyện Tam Đảo đã đưa ra từng giải pháp thực hiện đó là: Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong công tác giảm nghèo. Hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Hướng dẫn cách làm ăn, phổ biến công nghệ kỹ thuật mới cho người nghèo, nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp và hiện đâị. Tích cực giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững. Thực hiện những sự ưu tiên xã hội cần thiết cho việc giảm nghèo bền vững ở các thôn khó khăn và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác giảm nghèo bền vững.

Tổ chức đào tạo nghề, định hướng xuất khẩu lao động nông thôn góp phần giảm nghèo bền vững. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý hộ nghèo. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục. Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, khuyến khích người nghèo tham gia tích cực vào chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình...

Ông Chu Văn Sáu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Đảo trao đổi thông tin với Báo GD&TĐ
Ông Chu Văn Sáu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Đảo trao đổi thông tin với Báo GD&TĐ

Trao đổi với Báo GD&TĐ về chương trình giảm nghèo của huyện, ông Chu Văn Sáu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết: “Những năm qua, huyện Tam Đảo đã huy động các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng chung tay giúp đỡ những hộ có người bị ốm đau, bệnh tật để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Đối với những hộ thiếu đất và không có đất sản xuất, đông con không có việc làm, thiếu kiến thức làm ăn thì tập trung chỉ đạo và tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho nhóm nguyên nhân này theo hướng chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang lĩnh vực phị nông nghiệp, sản xuất kinh doanh dịch vụ”.

“Ngoài Kế hoạch và các giải pháp nêu trên, hàng năm, Phòng Lao động-TB&XH chủ trì phối hợp với các phòng ban, đoàn thể hỗ trợ địa phương xây dựng và thực hiện Chương trình giảm nghèo, hướng dẫn thực hiện một số dự án, nhân rộng mô hình giảm nghèo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và tham mưu UBND huyện giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo”- Ông Sáu cho biết thêm.

Để làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện Tam Đảo đề nghị Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo Đảng ủy các xã, UBMTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện phân công xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đến từng hộ nghèo về công tác giảm nghèo bền vững, chỉ đạo việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác theo đúng quy định. Đồng thời, các thành viên BCĐ huyện cần nêu cao vao trò, trách nhiệm, tích cực trong việc chỉ đạo địa bàn được giao phụ trách nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của huyện đã đề ra.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.