Vĩnh Phúc: Khóa chặt nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào tỉnh

GD&TĐ - Vĩnh Phúc liên tiếp phát hiện các ca Covid-19 từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về. Do đó, việc kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm bên trong và khóa nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài là nhiệm vụ bức thiết.

Công dân từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Phúc được xe của cơ quan y tế đón từ sân bay về khu cách ly tập trung.
Công dân từ TP Hồ Chí Minh về Vĩnh Phúc được xe của cơ quan y tế đón từ sân bay về khu cách ly tập trung.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2021 đến 15h ngày 21/7, Vĩnh Phúc đã ghi nhận 134 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, 42 trường hợp mắc Covid-19 gần đây là công dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang có dịch. Các trường hợp này đã được kiểm soát và cách ly ngay khi trở về địa phương nên không có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính từ ngày 5/6 đến nay, Vĩnh Phúc chưa phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong 1 tháng gần đây, qua công tác truy vết dịch tễ đã rà soát được hơn 2.700 trường hợp trở về từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch, hiện đang cách ly y tế tập trung hơn 1.100 người.

Theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phòng chống dịch Covid-19 song hiện nay, Vĩnh Phúc đang tiếp tục phải đối mặt với làn sóng dịch mới khi số công dân của tỉnh từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành có dịch về ngày càng đông.

Để bảo vệ thành quả đạt được, tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ nguy cơ bên trong và khóa chặt các nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài, đặc biệt là kiểm soát chặt tất cả các công dân từ vùng dịch về, tuyệt đối không bỏ lọt bất cứ trường hợp nào.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sơ kết công tác phòng chống dịch 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sơ kết công tác phòng chống dịch 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhanh nhất việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các nhóm đối tượng; nắm bắt số công dân của tỉnh đang làm việc tại các tỉnh, thành có dịch và số người có nguyện vọng về địa phương, nhất là tại 19 tỉnh phía Nam và các địa điểm đang có dịch theo thông báo của Bộ Y tế.

Chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho từng kịch bản, cấp độ chống dịch theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong đó, cần xây dựng và triển khai kế hoạch về huy động lực lượng tình nguyện viên, kế hoạch huy động trang thiết bị từ các đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến huyện về năng lực sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả của các tổ Covid cộng đồng, kịp thời nắm bắt các trường hợp về địa phương để báo cáo chính quyền áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện khai báo y tế điện tử; kịp thời khen thưởng các địa phương, đơn vị, cá nhân điển hình làm tốt công tác phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...