Đơn thư do bất minh
Dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn, giúp người dân canh tác thuận lợi hơn trên những thửa ruộng lớn. Tuy nhiên, ở một số địa phương, trong đó có xã Tuân Chính, việc dồn điền đổi thửa chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Một số phụ huynh ở đây cho rằng, công tác dồn điền đổi thửa có nhiều điểm bất minh dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài.
Phản ánh đến Báo GD&TĐ, bà Phan Thị Mai Nương cùng các ông bà Lê Bá Long, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Minh, ông Nguyễn Xuân Lệ… cho rằng, trong quá trình dồn điền đổi thửa ở thôn Trung, xã Tuân Chính có nhiều sai phạm. Cụ thể, cán bộ thôn, xã có biểu hiện thiếu minh bạch về diện tích đất dồn ghép.
Bên cạnh đó, các ông bà trên cũng thắc mắc về việc người nhà của cán bộ thôn, xã được nhận những thửa ruộng có vị trí thuận lợi, gần đường lớn còn người dân mong muốn được lựa chọn vị trí thuận lợi cho sản xuất thì không được giải quyết.
Bà Phan Thị Mai Nương cho biết, khi có thông tin về dồn điền đổi thửa, người dân chúng tôi rất vui mừng và ủng hộ. Bởi, những thửa ruộng manh mún ở các xứ đồng nay có thể gộp thành thửa lớn, sẽ thuận lợi cho việc canh tác. Thế nhưng, khi thôn triển khai công tác này đã xuất hiện dấu hiệu bất minh.
Bà Nương còn cho biết, mục tiêu của dồn thửa đổi ruộng là dồn nhiều thửa về một thửa hoặc còn lại ít thửa. Nhưng khi dồn ghép, gia đình bà được trả một thửa ruộng có vài chục m2. Bà Nương cho rằng, có thể do bà phát hiện ra nhiều sai phạm trong quá trình dồn ghép ruộng đất nên bị trả thù. Việc trả diện tích đất như trên để “dằn mặt” không cho bà tiếp tục tố cáo.
“Không những vậy, khi dồn ruộng, một diện tích đất của thôn Trung bị chuyển sang thôn Tân Lập. Khi người dân phát hiện và tổ chức đi đòi lại thì cán bộ thôn mới thừa nhận. Không hiểu sao diện tích đất này lại chuyển cho người nhà cán bộ để canh tác” - Bà Nương bức xúc.
Ngoài ý kiến của bà Nương, gia đình ông Lê Bá Long (thôn Trung) cũng phản ánh về việc cán bộ thôn tự ý lấy ruộng của ông để chia lại nhưng không trả đủ diện tích khiến ông phải vất vả làm đơn từ, chạy ngược xuôi trong suốt thời gian dài để đòi ruộng.
Ruộng “đi lạc” vì cán bộ thôn nhớ nhầm
Ở một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Minh và ông Nguyễn Xuân Lệ (cùng trú tại thôn Trung) phản ánh rằng, trong khi cán bộ thôn và người nhà được nhận những thửa ruộng có vị trí thuận lợi, gần đường lớn thì gia đình họ chỉ mong muốn được dồn ghép và xin được nhận ở vị trí đang canh tác, đã có sẵn ao do gia đình tôn tạo nhiều năm. Thế nhưng, những đề nghị này đã nhiều lần được trình bày bằng đơn nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Trái ngược với phản ánh của người dân, trả lời Báo GD&TĐ, ông Hoàng Minh Hòa – Chủ tịch UBND xã Tuân Chính lại phủ nhận những khuất tất liên quan đến công tác dồn thửa đổi ruộng như người dân phản ánh. Ông Hòa cho rằng, việc dồn thửa đổi ruộng được thôn đưa ra họp nhiều lần và công khai phương án xây dựng hệ số K.
“Về phản ánh của người dân liên quan đến việc ruộng thôn Trung được cán bộ thôn gửi sang thôn Tân Lập, đây là do cán bộ thôn nhớ nhầm. Vì Trưởng thôn mới làm, nên không nắm rõ diện tích đất cụ thể của người dân. Vấn đề này người dân có đơn tố giác nên chúng tôi sẽ mời người dân đến để đối thoại” - ông Hòa cho biết thêm.
Cần nói thêm rằng, việc dồn điền đổi thửa đã được nhiều địa phương tại Vĩnh Phúc triển khai. Trong đó, đa phần các địa phương đều làm tốt công tác này và tạo được niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, ở xã Phú Xuân (huyện Bình Xuyên) do có dấu hiệu bất minh trong công tác dồn ghép, thống kê diện tích đất trước khi chia… nên người dân đã phản đối, không nhận ruộng. Do đó, một diện tích đất lớn đã bị bỏ hoang nhiều vụ.
Trước thực tế này, đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm những phản ánh của người dân xã Tuân Chính. Nếu phát hiện sai phạm thì cần xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận.