Vĩnh Phúc: Cần xử lý dứt điểm sai phạm đất đai tại huyện Bình Xuyên

GD&TĐ - UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại huyện Bình Xuyên, đặc biệt là các xã Thiện Kế, Trung Mỹ và thị trấn Gia Khánh.

Khu đất nông trường bị sử dụng sai mục đích tại xã Thiện Kế.
Khu đất nông trường bị sử dụng sai mục đích tại xã Thiện Kế.

“Băm nát” đất nông trường

Theo Kết luận số 21/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi nhận bàn giao đất từ Công ty TNHH đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo (trước đây lần lượt là Công ty TNHH MTV Nông – Công nghiệp Tam Đảo và Nông trường Tam Đảo - PV), UBND các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát các trường hợp sử dụng đất nhận bàn giao.

Kết quả cho thấy, có 123 trường hợp vi phạm cũ (Gia Khánh 51 trường hợp, Thiện Kế 51 và Trung Mỹ 21 trường hợp). Diện tích đất vi phạm khoảng 247.959,7m2.

Có 17 trường hợp vi phạm mới (Gia Khánh 3 trường hợp, Thiện Kế 10, Trung Mỹ 4 trường hợp). Diện tích đất vi phạm khoảng 20.291m2. Trong đó, Gia Khánh 2.050m2, Thiện Kế 17.706m2, Trung Mỹ khoảng 535m2.

Ngay sau khi đọc, đối chiếu thông tin trong Kết luận thanh tra số 21, một số người dân địa phương đã phản ánh rằng, tại xã Thiện Kế còn nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông trường nhưng không được liệt kê trong Kết luận thanh tra. Kể đến như một số hộ dân tại khu hồ Cam Lênh, khu sân kho Hiệp Thuận, khu chế biến thôn Tam Hà…

Người dân còn cho rằng, bên cạnh việc buông lỏng quản lý, thiết quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ để người dân sử dụng đất nông trường sai mục đích, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thì còn nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng đất nông trường bị “băm nát” đó là sự tiếp tay cho vi phạm của lãnh đạo xã Thiện Kế.

Minh chứng cho việc này, đó là, trong hợp đồng giao khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông – Công nghiệp Tam Đảo ký với hộ dân đã ghi rõ nghĩa vụ của bên nhận khoán là “Không được giao lại đất khoán hoặc đơn phương chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 dưới bất kỳ hình thức nào”.

Tuy nhiên, qua nhân chứng và hồ sơ mà Báo GD&TĐ thu thập được thì có hợp đồng đã được sang tên cho người khác và được Chủ tịch UBND Thiện Kế lúc đó là ông Đào Trong Tuấn ký, đóng dấu xác nhận. Sau đó, ông Tuấn còn ký lại hợp đồng giao khoán diện tích đất nhận chuyển nhượng trên cho chủ mới.

Bên cạnh đó, một số trường hợp nhận chuyển giao đất sản xuất nhưng không được UBND xã báo cáo với đoàn Thanh tra mà đưa các chủ cũ (đối tượng trực tiếp ký hợp đồng giao khoán với Công ty TNHH MTV Nông – Công nghiệp Tam Đảo) đứng ra kê khai diện tích, công trình xây dựng trên đất… dẫn đến tình trạng bỏ lọt công trình vi phạm trật tự xây dựng trong kết luận thanh tra.

Ngoài ra, cũng ở địa phương này còn nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất do UBND xã quản lý nay biến thành các ki-ốt, nhà trọ… nhiều công trình có quy mô xây dựng lớn nhưng chưa được UBND xã Thiện Kế xử lý dứt điểm theo quy định.

Cụ thể, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tại khu Gò Luông, xuất hiện nhiều dãy nhà trọ mới và đang được hoàn thiện. Có mặt ở hiện trường, phóng viên đã phản ánh thông tin đến UBND xã Thiện Kế thì được cán bộ địa chính xã khẳng định, đây là những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, xã đã lập biên bản.

Thế nhưng, sau nhiều lần liên hệ để được tiếp cận các biên bản cũng như hướng xử lý đối với những công trình này thì ông Đào Trọng Thành - Chủ tịch UBND xã Thiện Kế lại viện lý do để “từ chối khéo” việc cung cấp thông tin.

Có dấu hiệu bao che cho sai phạm?

Liên quan đến việc người dân tố cáo sai phạm của Bí thư Đảng xã Thiện Kế - Đào Trọng Tuấn, bà Vũ Thị Thủy người đứng đơn cho biết: Đơn của tôi ký gửi từ đầu tháng 3/2022, đến nay đã được 5 tháng nhưng tôi chỉ được làm việc duy nhất 1 lần với cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Xuyên. Sau khi gửi đơn, tôi còn bị 1 nhóm đối tượng đến tận nhà đe dọa. Thế nhưng, từ đó đến nay, tôi không nhận được thông tin gì khác về việc đơn có được giải quyết tiếp hay không, bao giờ thì có kết luận. Tôi lo lắng rằng, có sự bao che, cố ý dìm đơn của tôi, để làm ngơ cho những sai phạm của ông Bí thư xã mà tôi đã tố cáo.

Báo GD&TĐ đã phản ánh những dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng diện tích đất của trạm y tế cũ xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên tại bài viết “Bình Xuyên - Vĩnh Phúc: Sai phạm về đất đai đến mức phải xử lý hình sự?”.

Sau khi bài viết đăng tải, người dân địa phương đã cung cấp cho Báo Văn bản số 3354 ngày 17/12/2018 của Sở TN&MT Vĩnh Phúc về việc giải quyết phản ánh của công dân.

Nội dung văn bản thể hiện “Sở TN&MT nhận được phản ánh của công dân có nội dung: 1. Lê Minh Ngọc (vợ Bí thư, Chủ tịch xã), Trịnh Thị Mão, Nguyễn Thị Chung chia nhau sử dụng đất của trạm xá cũ, sau khi trạm xá chuyển đi họ bán cho Nguyễn Văn Hậu để làm mặt bằng kinh doanh và cho thuê…”. Văn bản còn nêu: Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý theo thẩm quyền…

Nhìn vào nội dung văn bản trên có thể khẳng định, những dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, sử dụng diện tích đất của Trạm Y tế xã Thiện Kế cũ đã được lãnh đạo huyện Bình Xuyên khi đó và lãnh đạo xã Thiện Kế biết rõ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp này vẫn tồn tại suốt từ đó cho đến nay.

Nhà xưởng trái phép này được xây dựng sát với Trường Tiểu học Thiện Kế, khiến một số phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của học sinh nếu chẳng may xảy ra cháy nổ. Khi đó, trách nhiệm có được quy cho những người cố tình làm ngơ cho sự tồn tại của công trình sai phép này.

Ngoài dấu hiệu sai phạm liên quan đến diện tích đất của Trạm Y tế xã cũ thì tại Kết luận Thanh tra số 21 còn nêu rõ 3 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, nơi sản xuất trên đất nông trường tại xã Thiện Kế với diện tích lên tới 44.000m2, gồm: Công ty TNHH Tuổi trẻ Bình Nguyên, Công ty CP Bê tông Phúc Thành (đặt trạm trộn bê tông thương phẩm), Công ty CP Contech (sản xuất gạch không nung).

Sau khi xây dựng, các doanh nghiệp trên đã đưa vào sử dụng, kinh doanh trong thời gian dài và UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết, doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh tại địa điểm này.

Từ việc biết nhưng không giải quyết dứt điểm khiến nhiều người dân địa phương có thể cho rằng, các công trình sai phạm ở trên tồn tại được lâu dài là do có sự dung túng, bao che của một nhóm lợi ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ