Vĩnh Long giám sát quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường lớp

GD&TĐ - Đoàn giám sát HĐND tỉnh Vĩnh Long làm việc với Sở GD&ĐT về việc sắp xếp, quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 25/4, Đoàn khảo sát, giám sát Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Long đã làm việc với Sở GD&ĐT về kết quả thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, năm học 2022-2023 toàn tỉnh có 398 trường mầm non, phổ thông. Trong đó, bậc học mầm non có 129 trường, tiểu học có 150 trường, THCS có 85 trường, THCS-THPT có 10 trường và THPT có 24 trường.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã phối hợp với các sở ban ngành đoàn thể địa phương triển khai thực hiện công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác quy hoạch đầu tư mạng lưới trường lớp trong tỉnh còn gặp không ít khó khăn như một số cơ sở giáo dục xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm khá xa, không đủ diện tích, quỹ đất để đầu tư xây dựng mở rộng còn hạn chế, một số địa phương thực hiện công tác quy hoạch còn chậm, chưa phù hợp…

Ngoài ra, do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường tại một số địa phương còn chậm, chưa sát thực tế.

Dịp này, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh bổ sung kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường ở vùng khó khăn; mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, kiểm định chất lượng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới hiện nay…

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, ông Nguyễn Đắc Phương - Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền trong quá trình thực hiện quy hoạch, sáp nhập. Trong việc quy hoạch sáp nhập trường lớp, trang thiết bị giữa ngành và địa phương cần có sự thống nhất. Rà soát hiệu quả, sắp xếp, mạng lưới trường lớp trên địa bàn, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Trước đó đoàn giám sát đã trực tiếp đến giám sát tại một số trường học và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Vĩnh Long về chủ trương sắp xếp, quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ