Viết về thầy cô và mái trường là tri ân nhà giáo và những điều tốt đẹp nhất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm tác giả Nguyễn Văn Ba, VTV2 - Đài truyền hình Việt Nam đạt rất nhiều giải thưởng tại 'Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam'.

Viết về thầy cô và mái trường là tri ân nhà giáo và những điều tốt đẹp nhất.

Viết về thầy cô và mái trường là tri ân nhà giáo và những điều tốt đẹp nhất.

Nhiều người tốt là một vườn hoa đẹp

Bạn bè trong giới thường đùa vui, Văn Ba và ê kip VTV2 là những "nhà sưu tập" Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam". Cũng không quá bởi qua 5 mùa giải, Nguyễn Văn Ba và nhóm đã đoạt 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.

Trong đó giải Nhất "Lớp học trên Nóc Ông Ruộng" (năm 2019); Giải nhất "Người gieo chữ kiên cường" (năm 2022); Giải Nhì "Thay lời Tri ân - Người Thầy (năm 2018) và Giải Nhì "Những lớp học trong mây" (năm 2020). Tất cả các giải thưởng của Nguyễn Văn Ba đều là những ghi nhận sống động về cống hiến to lớn của các thầy cô giáo.

Tâm sự về nghề và những gắn bó với giáo dục và đời sống giáo viên, nhà báo Nguyễn Văn Ba cho biết: "Giáo dục là vấn đề nóng được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Truyền thông thường nói nhiều về những bất cập, tiêu cực. Nhưng các thầy cô giáo như những hòn ngọc sáng, những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu.

Những cảm xúc tích cực, niềm tin để mọi người và xã hội hiểu, trân trọng những giá trị tốt đẹp đó đó lại được truyền thông ít hơn. Nhiều năm gắn bó với giáo dục, đã qua khắp các nẻo đường đất nước, ghi nhận những điều hay và hết sức ý nghĩa. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm nói, để xã hội hiểu - Giáo dục thực sự là một vườn hoa đượm sắc màu, trong đó có những gương sáng thầy cô giáo".

Ekip của Nguyễn Văn Ba thực hiện cảnh quay trong đề tài viết về thầy cô và nhà trường.

Ekip của Nguyễn Văn Ba thực hiện cảnh quay trong đề tài viết về thầy cô và nhà trường.

"Các thầy cô giáo đã và đang cống hiến cả tâm sức, tâm đức và tâm trí cho các học trò. Những bất cập, tiêu cực chỉ là vết mờ nhỏ trên hòn ngọc sáng mà thôi. Báo chí, truyền hình, hãy tuyên truyền cái tốt, cái đẹp, cái đáng học hỏi để mọi người nhìn vào đó mà phấn đấu" - nhà báo Nguyễn Văn Ba nói.

Những người đi ươm mầm hạnh phúc

Trên các tác phẩm truyền hình của nhà báo Nguyễn Văn Ba, có thể thấy hình ảnh các thầy giáo ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa. Những cảnh quay, lời thoại lắng đọng, đong đầy cảm xúc. Phim ngắn thôi, không quá dài, nhưng tự thân câu chuyện là thông điệp về nghề, thể hiện sự hy sinh, tình yêu thương học sinh và trách nhiệm với nghề.

Bằng trí tuệ và cảm xúc, nhóm làm phim đã mang đến những xúc cảm, sự hấp dẫn cho từng thước phim. Ekip đã sử dụng những thủ pháp làm phim, tạo hiệu ứng, mạch chuyện hấp dẫn của từng câu chuyện, để thể hiện tính nhân văn cao cả của nghề giáo đến với người xem.

"Có những trường đoạn, chúng tôi đã dành 5 ngày, 4 đêm để cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và cùng làm việc với các thầy. Những hình ảnh mà quý vị theo dõi trong phim là hoàn toàn chân thực, bởi chính chúng tôi cũng đã trải nghiệm:

Từ cảnh các thầy giáo lặn lội xúc cá, hái măng, nhặt rau, đến cảnh đánh răng, rửa mặt bên dòng suối, hay chuyện em bé ngất giữa giờ học, chuyện thầy đi dò sóng điện thoại để nói chuyện hay bị ong đốt và cú ngã do đường trơn trượt khiến tôi là người cầm máy quay cũng ngã theo… Tất cả đều chân thực. Mà có chân thực như vậy thì người xem mới “cảm” được." - Nhà giáo Nguyễn Văn Ba chia sẻ

Nhà báo Nguyễn Văn Ba và niềm vui với nghề.

Nhà báo Nguyễn Văn Ba và niềm vui với nghề.

Đó là những ngày ăn dầm nằm dề tác nghiệp trên đỉnh Trường Sơn Đông, đến với đồng bào dân tộc K’Dong đi ghi hình phóng sự cho chương trình “Thay lời Tri Ân 2018” với chủ đề “CỐNG HIẾN”. Đó là những ngày rong ruổi trên những nẻo đường rừng vùng cao của tỉnh Lai Châu để ghi hình các thầy cô giáo gieo mầm xanh cho trẻ mầm non vùng cao.

"Những lớp học trong mây, Người gieo chữ kiên cường... đã nói lên tất cả: Các thầy cô giáo đã và đang chịu nhiều thiệt thòi, dành hết tình cảm cho trò, hết lòng với sự nghiệp trồng người. Với tôi họ là những Nhà giáo của Nhân dân" - Nhà báo Nguyễn Văn Ba.

Trên những nẻo đường dọc dài đất nước, đến những điểm trường, có những thầy, cô hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc riêng để cống hiến cho giáo dục vùng cao, những cô giáo phải xa con nhỏ để lên điểm trường gần 150 km dạy chữ cho những em nhỏ đồng bào vùng cao… Các thầy cô không chỉ dạy học mà còn chăm nuôi cho những học sinh người dân tộc. Họ - những thầy cô giáo đó đều xứng với chữ “Cống hiến” - Nhà báo Nguyễn Văn Ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ