17 năm gắn bó với nghề giáo
Cô giáo Hoàng Thị Tuyết (Trường TH&THCS Giáo Hiệu, Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) với bài viết “Người thầy của núi” đã đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi với tâm huyết của mình trong mỗi đoạn văn.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Tuyết xung phong về quê hương để theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Năm đó, cô được phân về Pác Nặm, cách nhà 150km.
Cho đến nay đã 17 năm công tác, cô Tuyết đã kinh qua nhiều nhiệm vụ từ giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội đến tổ trưởng tổ chuyên môn. Đó cũng là 17 năm gắn bó với nghề giáo ở vùng khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu đến với các em, chẳng thể đếm hết được vất vả, thiếu thốn mà thầy và trò nơi đây trải qua.
Ấn tượng nhất là các cô giáo đều phải chuẩn bị cho mình một chiếc đèn dầu để thắp sáng vì không có điện. Đây được coi là “vũ khí” quan trọng mà ai cũng phải có. Rồi những ngày tháng các cô phải mượn xe đạp ra thị trấn cách đó 10km chỉ để gọi được một cuộc điện thoại về cho gia đình. Hay thức ăn hàng ngày đều phải đi mua rồi tích trữ cho cả tuần,…Những ngày tháng đó, tuy vất vả nhưng mọi người vẫn san sẻ cho nhau đầy ắp tiếng cười.
Tất cả những kỉ niệm đã từng trải qua, cô Tuyết đều thể hiện trong bài viết “Cuộc thi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo, học và làm theo lời Bác”.
Chia sẻ về cảm xúc khi biết mình đạt giải khuyến khích, cô Tuyết nói: “Sự bất ngờ xen lẫn hạnh phúc chính là khi tôi đạt giải của cuộc thi này. Tôi xúc động khi bài viết của mình được đọc, được đánh giá cao và hơn hết là tiếng lòng của tôi, của thầy trò miền núi đã chạm đến trái tim của mọi người, nhất là những người đang âm thầm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục”.
Người truyền cảm hứng lạc quan cho trò
Cô Tuyết cũng cho biết thêm, dù là giáo viên dạy Văn nhưng những gì thể hiện trong bài viết là tình cảm chân thành, là câu chuyện, sự việc có thật ở Pác Nặm.
Đặc biệt, nhân vật mà cô viết trong bài “Người thầy của núi” chính là chồng mình. Cô chia sẻ: “Biết rằng đây là cuộc thi lớn, sẽ có nhiều thầy cô giáo tham gia nhưng tôi vẫn muốn dành tình cảm của mình qua câu chuyện về người thầy trên rẻo cao. Thiết nghĩ, viết về nhân vật nào thì cần hiểu về nhân vật đó, chính vì vậy, hơn ai hết, tôi đã viết về người đồng nghiệp, người thầy, và cũng là chồng mình”.
Đó là câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Đức Văn, thầy giáo dạy Sinh – Hóa của trường.
Về công tác cùng trường với vợ, thầy Văn cùng đồng nghiệp vượt qua những khó khăn của vùng núi cao này, dù thiếu thốn trăm bề về điều kiện sinh hoạt cũng như dạy học, thầy Văn vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhưng quan trọng nhất, chính là sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh mà thầy đã truyền cảm hứng được cho học trò của mình. Đó là điều đáng quý đối với các em học sinh miền núi, cũng như tiếp thêm nghị lực vươn lên chắp cánh cho những ước mơ bay xa hơn.