Việt Nam và Pháp chia sẻ về phát triển đô thị bền vững

GD&TĐ - Chiều 14/4, diễn ra phiên hội thảo về “Đô thị bền vững”, do UBND TP Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France (Pháp) đồng tổ chức.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn và ông Stéphane Beaudet, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France đồng chủ trì.

Đô thị xanh…

Hà Nội là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360km2, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp. Những thách thức này đòi hỏi cách thức triển khai quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, mang tính chiến lược.

Trong tiến trình đó, Hà Nội rất chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia có bề dày trong phát triển đô thị, trong đó, có thể kể đến vùng Ile de France và nhiều địa phương của Pháp có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn cho rằng, Hội thảo là cơ hội để chúng ta cùng bàn thảo các phương thức, kinh nghiệm trong phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, nâng cao đời sống sinh kế, học tập và làm việc ở các đô thị của người dân. Hội thảo cũng là dịp để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn phát biểu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn phát biểu.

Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France - ông Stéphane Beaude cho rằng, phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận cơ bản của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên, chính là những yếu tố một đô thị bền vững cần có. Đặc biệt, đối với Việt Nam, nơi cư dân đô thị chủ yếu sống ở đồng bằng chịu ảnh hưởng sự nóng lên trái đất, biến đổi khí hậu càng cần lưu ý những yếu tố này trong phát triển đô thị.

Đây cũng là mục tiêu của vùng tại Pháp. Tại Ile-de-France hiện đã có một số dự án thí điểm và điển hình, theo đó, thành lập nhóm chuyên gia biến đổi khí hậu và sinh học, hỗ trợ các chủ thể kinh tế nông nghiệp, bảo vệ rừng, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Vùng chủ trương xây dựng thêm 200km đường điện ngầm, gấp đôi hiện có để phục vụ khu vực thương mại, trở thành mạng lưới giao thông lớn thứ 2 trên thế giới sau Tokyo. Dự kiến, toàn bộ xe bus trong vùng đạt 100% xe bus sạch cho tới năm 2030, đồng thời, có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ mua phương tiện sạch. Từ năm 2021, chính quyền Vùng đã nỗ lực giảm tắc nghẽn giao thông thông qua dự án 200 triệu Euro phát triển đường bộ thông minh.

Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France cho biết, điểm tương đồng với Hà Nội và vùng là chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa là quan tâm hàng đầu trong các dự án xây dựng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ile-de-France có kế hoạch hợp tác giúp cho Hà Nội nghiên cứu vấn đề này, công bố xuất bản hướng dẫn phát triển bền vững, chiến lược chính sách xử lý rác thải dự án cụ thể, xây những “khu chợ không rác” và có sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Pháp.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Tường Văn cho biết, định hướng phát triển đô thị Việt Nam, thời gian tới, sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, cần thống nhất nhận thức, tư duy, hành động về vai trò của đô thị. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Cùng với đó là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra hành lang pháp lý, khơi thông nguồn lực và các điểm nghẽn trong phát triển đô thị thời gian qua, tạo sức bật và lợi thế nhất định cho phát triển đô thị thời gian tới. Ngoài ra, cần thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác trong phát triển đô thị để xây dựng mô hình phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

…phát triển bền vững

Tham luận tại Hội thảo, ông Aloïs Gaborit, Phó Chủ tịch Cộng đồng đô thị Grand Poitiers phụ trách chuyển đổi năng lượng cho biết: Có 3 nguyên tắc về năng lượng có thể đưa ra để đảm bảo cho quá trình điều chỉnh đô thị theo hướng xanh sạch, thân thiện với môi trường và bền vững.

Thứ nhất là Tiết kiệm đất đai, thành phố cam kết hạn chế tiêu dùng đất đai để chống lại hiện tượng nhân tạo hóa mặt đất, bảo vệ sản xuất nông nghiệp gần thành phố. Mục tiêu là khuyến khích tăng mật độ đô thị một cách thông minh, được người dân chấp nhận cả về chất lượng tổng thể cũng như chất lượng từng khu phố. Khuyến khích đổi mới thông qua việc cải tạo khu vực hoang hóa, tái cấu trúc ngành tái sử dụng.

Thứ hai là Tiết kiệm sử dụng tài nguyên, đó là việc tăng cường sử dụng vật liệu nguồn gốc tự nhiên, khuyến khích đổi mới trong kinh tế tuần hoàn và tái sử dụng vật liệu góp phần tái cơ cấu các ngành tái sử dụng.

Thứ ba là đảm bảo đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, Ví dụ như khuyến khích hiệu quả năng lượng tối ưu tòa nhà, tích hợp thực vật hóa vào các dự án, quản lý tối ưu nguồn nước …

Những nguyên tắc này hướng đến xây dựng các Thành phố đang và sẽ là thành phố đáng sống. Để đảm bảo được những nguyên tắc này, quá trình đô thị hóa có tính đến yêu cầu bao trùm xã hội. “Các nhà hoạch định chính sách cần tính đến nhu cầu người dân từ khâu lập dự án, mời người dân tham gia vào dự án quy hoạch, lắng nghe ý kiến người dân qua cơ chế thông tin minh bạch, tìm kiếm thỏa hiệp”, ông Aloïs Gaborit nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Trình bày tham luận Hà Nội - Hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết: Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của thành phố Hà Nội là: hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; áp dụng các công nghệ mới...

Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp phát triển giao thông đô thị của TP Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 sẽ tập trung vào các giải pháp như: Phát triển giao thông đường sắt đô thị; thực hiện các chương trình tái thiết đô thị và phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); Hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, các đường vành đai và đường xuyên tâm; Tăng công suất của sân bay Nội Bài và hình thành sân bay thứ hai phía Nam hoặc Đông Nam Hà Nội; Tăng cường sử dụng vận tải đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa; Xây dựng trung tâm điều hành tập trung (NOCC) và hệ thống giao thông thông minh (ITS); Cải thiện sự tiện lợi của việc lập kế hoạch di chuyển; Loại bỏ các nút thắt cổ chai cục bộ trên mạng lưới đường bộ; Áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong thiết kế các đầu mối giao thông; Mở rộng việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông "đoạn cuối"; Khuyến khích sử dụng xe điện, sử dụng năng lượng xanh....

Tại Hội thảo, các tham luận của các đại biểu đến từ Việt Nam và Pháp cũng đã chia sẻ những vấn đề về phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh hiện nay; cùng xây dựng các chiến lược và hành động phát triển đô thị bền vững; những vấn đề tồn tại trong phát triển giao thông công cộng; tạo sự chuyển biến về chính sách công và cách làm thực tiễn trước những thách thức về đô thị bền vững....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.